Xe đạp điện xuất khẩu có nguy cơ áp biện pháp phòng vệ thương mại
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách 11 nhóm sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đặc biết có sự xuất hiện của mặt hàng xe đạp điện xuất khẩu.
Thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg và Nghị quyết số 119/NQ-CP về tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Cục Phòng vệ thương mại đã cập nhật Danh sách theo dõi các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Danh sách bao gồm 11 mặt hàng có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại. Toàn bộ các sản phẩm này đều được cảnh báo khi xuất khẩu vào Mỹ do thị phần liên tục gia tăng.
Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2021, danh sách theo dõi bao gồm 11 mặt hàng được xác định có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm các mặt hàng: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình ga, ghim đóng thùng, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục.
Kim ngạch xuất khẩu Xe đạp điện của Việt Nam sang EU đã tăng từ 74 triệu Euro năm 2018 lên 87,5 triệu Euro năm 2019 và giảm nhẹ xuống còn 83,6 triệu Euro năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng kể từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 46,4 triệu EUR, giảm 41,6% so với giai đoạn cùng kỳ năm trước.
Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 30,4 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ còn thấp, mới chỉ chiếm 2,6% trong giai đoạn tháng 6 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021.
Xe đạp điện của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp và bị thị trường Hoa Kỳ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974.
Điều này làm cho các doanh nghiệp sản xuất xe đạp điện Việt Nam điển hình là PEGA gặp phải không ít các trở ngại khi các doanh nghiệp này đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU. Vì xuất khẩu xe đạp điện từ Việt Nam sang thị trường này tăng sau khi EU tiến hành điều tra đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Lượng xuất khẩu xe đạp điện của Việt Nam sang EU trong 11 tháng đầu năm 2018 là 138.467 chiếc, đạt kim ngạch 66,9 triệu Euro, tăng 47,4% về lượng và 22,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm tỷ trọng 12,4% tổng lượng nhập khẩu xe đạp điện vào EU.
Việc lượng xuất khẩu xe đạp điện từ Việt Nam sang EU tăng nhanh, trùng với thời điểm EC điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ. Bộ này cũng cho biết đang phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại tại một số thị trường nhập khẩu tiềm năng.