Xây dựng thương hiệu sâm Núi Dành
Huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đang triển khai Đề án mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, đầu tư vào khâu chế biến và xây dựng thương hiệu cây sâm Núi Dành. Việc triển khai thực hiện Đề án này của Tân Yên đã thu được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi.
Ông Đinh Đức Cảnh, Bí thư Huyện ủy Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) cho biết, tính đến hết năm 2022, tổng diện tích sâm toàn huyện đạt hơn 71 ha (riêng năm 2022 diện tích trồng mới là 47 ha), tập trung tại các xã Liên Chung và Việt Lập. Năm 2022, sản phẩm củ sâm đã được thu (từ 3-5 năm tuổi) khoảng 3,7 tấn, giá bán từ 1,5-2 triệu đồng/kg; hoa sâm khô đạt 5,5 tấn, giá bán từ 0,8-1 triệu đồng/kg; hiệu quả kinh tế đạt hơn 6 tỷ đồng/ha/chu kỳ sản xuất.
Các sản phẩm được chế biến từ sâm núi Dành bao gồm: Rượu sâm từ củ và hoa, trà hoa sâm, tinh chất sâm thượng hạng Star SaViNa, trà sâm dạng hòa tan, dầu gội Thảo Mộc Sâm, trà sâm Tây Yên Tử, thuốc viên sáng mắt sâm Nam núi Dành, nước uống tăng lực sâm Nam núi Dành…Huyện Tân Yên đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ sâm Nam giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.
Để mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, đầu tư cho chế biến và xây dựng thương hiệu cho cây sâm Núi Dành, huyện Tân Yên còn nhiều việc phải làm. Đó là việc tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ sâm phục vụ người tiêu dùng; cách thức xây dựng vùng nguyên liệu và đề xuất tỉnh, huyện hỗ trợ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu…
Để cây sâm phát triển hiệu quả, việc đầu tiên mà huyện Tân Yên và cả tỉnh Bắc Giang cần triển khai là các cấp, các ngành phải vào cuộc hỗ trợ tích cực, tạo mối liên kết "4 nhà". Trong đó cần ứng dụng triệt để tiến bộ khoa học vào quy trình sản xuất. Bởi muốn có sản phẩm cao cấp phải có khoa học công nghệ dẫn đường. Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang sớm nghiên cứu, công bố các dược tính của sâm. phân tích dược tính các loại sâm trên địa bàn để biết ưu điểm của từng loại. Đồng thời nâng cao công nghệ sản xuất giống, chế biến và xây dựng thành công thương hiệu cho sâm Núi Dành. Trong đó, giống có vai trò hết sức quan trọng nên ngành nông nghiệp cần đi sâu, xây dựng quy trình nhân giống, chăm sóc, chế biến, đặc biệt là khâu quản lý giống, không để bị thoái hóa, lẫn tạp. Bởi khi chủ động được nguồn giống thì mới làm chủ được sản xuất.
Huyện Tân Yên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đưa ra quy trình sản xuất chung theo hướng hữu cơ một cách chặt chẽ; nghiên cứu phát triển thuốc bảo vệ thực vật riêng cho cây sâm. Ngoài ra, địa phương cần tận dụng các sản phẩm phụ như thân, lá phục vụ chăn nuôi, mở ra triển vọng phát triển ngoài hoa và củ sâm, từ đó nâng cao giá trị cho cây sâm và thêm thu nhập cho người trồng.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm là huyện Tân Yên cần lưu ý thực hiện quy hoạch vùng trồng, phát triển thành vùng nguyên liệu đủ lớn, phục vụ chế biến sâu, không để phát triển tự phát, dẫn đến dư thừa, sản phẩm kém chất lượng. Đồng thời có chính sách hỗ trợ giống, vốn cho người dân, HTX mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị các doanh nghiệp chủ động liên kết sản xuất với các HTX, hộ dân; tìm tòi và sáng tạo đa dạng sản phẩm, gắn với phát triển sản phẩm du lịch nhằm thêm giá trị gia tăng cho người trồng sâm và vùng đất Tân Yên. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Công Thương xây dựng chiến lược quảng bá cho sâm núi Dành, chủ động giúp địa phương, doanh nghiệp, HTX kết nối với các doanh nghiệp chế biến dược phẩm trên toàn quốc để đưa sâm vào chế biến sâu, không nhất thiết phải xây dựng nhà máy chế biến sâm tại Bắc Giang. Cũng theo ông Lê Ánh Dương, phải từng bước đưa sản phẩm sâm Núi Dành vào cuộc sống hằng ngày của người dân, trước hết là người dân Tân Yên, sau đó lan tỏa ra các tỉnh và ngoài nước.