Chuyên mục


Xây dựng giao thông thông minh để giảm ùn tắc

24/11/2023 09:10 (GMT +7)

Hệ thống giao thông thông minh là xu hướng chung của tất cả đô thị trên thế giới. Hệ thống này sẽ góp phần tăng khả năng di chuyển thông minh, giảm thiểu ùn tắc mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và doanh nghiệp…

Hệ thống giám sát giao thông thông minh tại ngã tư.

Hệ thống giám sát giao thông thông minh tại ngã tư.

Hệ thống giao thông là bộ mặt của đô thị

Theo Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội, hệ thống giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Trong thời gian qua, lãnh đạo TP. Hà Nội luôn quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Phát triển hệ thống giao thông thông minh và bền vững là xu hướng của các đô thị trên thế giới.

Triển khai thực hiện Nghị quyết trên của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về "Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành Thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Hệ thống giao thông thông minh sử dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý điều hành giao thông nhằm tối ưu hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng, nâng cao tiện ích cho người tham gia giao thông, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, là một trụ cột quan trọng của Thành phố thông minh. Vì vậy, với chức năng của mình, trụ cột hệ thống giao thông thông minh còn đòi hỏi cần được quan tâm ưu tiên phát triển trước, làm nền tảng cho những lĩnh vực kinh tế khác.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan, trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh.

Bên cạnh 3 trục phát triển gồm sông Hồng, Hồ Tây - Ba Vì và Nhật Tân - Nội Bài, thành phố cũng định hướng hai thành phố trực thuộc Thủ đô: Thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) thiên về dịch vụ, thông minh và hội nhập, thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), định hướng đây sẽ là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo.

Tuy nhiên hiện nay, thành phố Hà Nội mới có 7 tuyến vành đai; 19 tuyến hướng tâm (7 tuyến cao tốc hướng tâm, 8 tuyến quốc lộ, 4 tuyến hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh); mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch có 10 tuyến (tương ứng 417 km), hiện nay mới hình thành và đưa vào khai thác được 12,5/417 km theo quy hoạch (tuyến số 2A Cát linh - Hà Đông).

Hiện nay vấn đề ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm trở nên phổ biến. Năm 2022 tại Hà Nội có tổng số 35 điểm ùn tắc trong giờ cao điểm, đã xử lý được 8/35 điểm. Năm 2023 có tổng số 37 điểm ùn tắc, đến nay đã xử lý được 9/37 điểm. Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm.

Cùng đó, về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm2.5 đang gấp khoảng 3 lần.

Về thời gian đi lại của người dân, ùn tắc giao thông chính là thủ phạm thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm. Ngoài ra, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng.

3 giai đoạn phát triển giao thông thông minh

UBND TP. Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong Thành phố thông minh.

GS.TS Lê Hùng Lân (nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải)- Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" cho rằng, Hà Nội cần nhanh chóng trở thành thành phố thông minh, trong đó phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trong các trụ cột chính.

Hệ thống giao thông thông minh là xu hướng chung của tất cả đô thị trên thế giới. Hệ thống này sẽ góp phần tăng khả năng di chuyển thông minh, giảm thiểu ùn tắc mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và doanh nghiệp…

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai một số ứng dụng cho giao thông thông minh như tìm xe buýt, tìm tuyến đường gần nhất hay trung tâm điều khiển đèn tín hiệu… Qua đó đã đem lại hiệu quả rất tốt cho người dân và doanh nghiệp. Việc phát triển giao thông thông minh sẽ đáp ứng được nhu cầu khách quan của con người.

"Hà Nội có những nguồn dữ liệu rất lớn từ camera hay dữ liệu hành trình trên xe nhưng chưa được khai thác triệt để, mới sử dụng để hậu kiểm, chưa ứng dụng trực tiếp. Chúng tôi hướng tới việc thu thập và xử lý đồng độ dữ liệu và vận dụng trực tiếp để trích xuất thông tin cần thiết để phục vụ việc đi lại của người dân", GS.TS Lê Hùng Lân nhấn mạnh.

Đồng thời chia sẻ, hệ thống giao thông thông minh không thể tách bạch được phương tiện thông minh và hạ tầng thông minh. Cả phương tiện và hạ tầng cần đi song song và bổ trợ cho nhau một cách bền vững.

Theo ông Lân, lộ trình phát triển giao thông thông minh thành phố Hà Nội cần chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.

Giai đoạn 2 từ năm 2027-2030 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 1. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp thành phố Hà Nội; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS.

Giai đoạn 3 đến năm 2045 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả ITS thành phố; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số.

Các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, phát triển giao thông thông minh cần tập trung vào 3 yếu tố chính là thu thập dữ liệu, xử lý và truyền phát thông tin. Công việc cụ thể cần thực hiện là xây dựng hệ thống camera để thu thập thông tin; xây dựng một trung tâm thông tin chung và tích hợp các ứng dụng để truyền phát thông tin...

Theo Báo Điện tử Chính phủ
Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Thị trưởng Lima và nhận Chìa khoá biểu tượng thành phố
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Peru ngày 14/11 vừa qua, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội kiến Thị trưởng thành phố Lima Rafael Lopez Aliaga.

Phấn đấu hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Kiên trì các mục tiêu đề ra, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,4-7,6%, cả năm đạt trên 7% và hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH của năm 2024.

Khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 518/TB-VPCP ngày 11/11/2024 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại các cuộc họp rà soát dự thảo các Nghị định, Quyết định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

Gỡ nút thắt vận tải, mở hành lang thương mại mới tới Trung Á và châu Âu
Trong chương trình tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8 và công tác tại Trung Quốc vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Trung tâm Logistics quốc tế Trùng Khánh, Trung Quốc và đón chuyến tàu nhanh ASEAN xuất phát từ Hà Nội tới đây.

Nâng tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới: Giảm ô nhiễm môi trường, ngăn công nghệ lạc hậu
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chủ trì cuộc họp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp (Quyết định về tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới).

Phải thay đổi nhận thức, hành vi người tham gia giao thông
Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại cuộc họp vừa qua với các Bộ, ngành và 15 tỉnh, thành phố về hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc
Sáng 6/11, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) cùng các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn.