Vietnam Airlines sẵn sàng thoát âm vốn
So với 2 quý đầu năm, Vietnam Airlines đã giảm được lỗ trong quý III/2022. Hãng bay này cho biết, đây là sự cải thiện bước đầu nhờ thị trường hàng không phục hồi, cộng hưởng hiệu quả từ các giải pháp tăng thu nhập, giảm chi phí.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa có văn bản tiếp tục giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) về biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát, nguy cơ hủy niêm yết do thua lỗ liên tục, âm vốn chủ sở hữu.
Sau khi công bố báo cáo tài chính quý III/2022, Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã HVN) vừa có văn bản tiếp tục giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) về biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát, nguy cơ hủy niêm yết do thua lỗ liên tục, âm vốn chủ sở hữu.
Vietnam Airlines tái khẳng định, các giải pháp đang được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Cụ thể, Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành dự thảo, được đại hội đồng cổ đông thông qua và đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, hãng vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư để tăng thu nhập, dòng tiền (bán máy bay cũ, bán thuê lại một số máy bay, thoái vốn tại một số đơn vị thành viên).
Đặc biệt, Vietnam Airlines chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Hãng này tin tưởng, hoạt động kinh doanh đã từng bước ổn định và chuẩn bị sẵn các điều kiện cho giai đoạn phục hồi và phát triển giai đoạn tới.
Theo báo cáo tài chính quý III, công ty mẹ Vietnam Airlines lỗ sau thuế hơn 2.200 tỷ đồng (giảm lỗ gần 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước); lỗ hợp nhất sau thuế hơn 2.500 tỷ đồng (giảm lỗ gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ). Luỹ kế 9 tháng năm nay, Vietnam Airlines lỗ hợp nhất hơn 7.000 tỷ đồng.
Doanh thu công ty mẹ quý III của HVN tăng gần 300% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ hoạt động chính (chở khách và chở hàng) tăng gần 400%, nhờ thị trường hàng không nội địa phục hồi mạnh, bay quốc tế đã phục hồi dù chưa như kỳ vọng những cũng tăng liên tiếp qua từng tháng.
Dù vậy, chi phí trong quý của hãng bay cũng tăng 160% so với cùng kỳ (thêm hơn 10.500 tỷ đồng), chủ yếu do chi phí nhiên liệu tăng cao (tăng gấp 1,8 lần); chi phí tài chính cũng tăng mạnh do phải trả lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá (hãng có số vay lớn, nhiều khoản chi phí phải thanh toán bằng ngoại tệ). Dù hoạt động chính của hãng có lãi, nhưng chi phí lãi vay và tỷ giá tăng cao khiến hãng vẫn lỗ lớn.
Tuy nhiên, so với 2 quý đầu năm, Vietnam Airlines đã giảm được lỗ và khẳng định đây là kết quả bước đầu nhờ thị trường phục hồi, hiệu quả từ các giải pháp do hãng thực hiện nhằm tăng thu nhập, giảm chi phí.
Dựa trên dự báo hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi sinh, Vietnam Airlines tin hoạt động của hãng sẽ có kết quả tích cực hơn từ năm 2023. Hồi tháng 9 vừa qua, khi chia sẻ với báo chí, đại diện Vietnam Airlines cũng khẳng định, hãng bay vẫn hoạt động tốt, đang trên đà phục hồi, có cơ hội để tiếp tục phát triển, có tài sản và giá trị vốn hóa lớn. Do đó, cổ phiếu HVN không phải sản phẩm xấu, không đáng bị thanh lọc trên thị trường. Thời gian vẫn còn tới hết năm tài chính để Vietnam Airlines triển khai các giải pháp không để rơi vào tình trạng bị hủy niêm yết.
Ngoài ra, Vietnam Airlines đang làm việc với 3 đối tác về chuyển nhượng cổ phần tại hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines. Nếu thành công, Vietnam Airlines vừa có thêm nguồn thu vừa giảm lỗ hợp nhất. Hiện Pacific Airlines lỗ khoảng 7-8 nghìn tỷ đồng, trong khi Vietnam Airlines nắm 98% cổ phần tại hãng hàng không giá rẻ này, nếu thoái vốn thành công, Vietnam Airlines sẽ giảm lỗ hợp nhất ngay 6.000 -7.000 tỷ đồng.