Vì đâu lỗi hẹn thông xe cầu Bến Rừng?
Không có chuyện bên phía Quảng Ninh cho rằng đây là công trình của Hải Phòng chào mừng kỷ niệm 69 năm giải phóng (13/5) nên thiếu quan tâm thúc đẩy dự án đường dẫn, làm lỗi hẹn ngày thông xe cầu Bến Rừng như một số dư luận đồn thổi.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, đại diện chủ đầu tư dự án cầu Bến Rừng cho biết, cầu Bến Rừng vượt sông Đá Bạch, kết nối huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng do ngân sách trung ương, ngân sách TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đầu tư.
Đến nay, dự án cơ bản đã hoàn thành. Cụ thể, phần cầu và đường dẫn phía huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã được các nhà thầu hoàn thành đúng tiến độ, kịp ngày thông xe kỹ thuật dịp 13/5/2024. Tuy nhiên, toàn bộ đường dẫn kết nối với cầu Bến Rừng phía TX.Quảng Yên do Quảng Ninh làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ, nên lễ thông xe kỹ thuật buộc phải hoãn lại để chờ. Nguyên nhân do tác động của điều kiện khách quan, quá trình tổ chức thi công đường dẫn phía Quảng Ninh gặp một số khó khăn, hiện các đơn vị đang tập trung tháo gỡ để sớm hoàn thành.
Cầu Rừng được xây dựng cách phà Rừng hiện tại khoảng 3,7km về phía thượng lưu, cách cầu sông Chanh khoảng 4,3km và cách Quốc lộ 18 khoảng 6,4km. Tổng chiều dài tuyến 4,529km (đoạn trên địa phận Hải Phòng dài 1,06km; đoạn trên địa phận Quảng Ninh dài 3,469km). Trong đó, cầu Rừng vượt sông Đá Bạch có chiều dài khoảng 1.857,6m, rộng 21,5m, với 4 làn xe cơ giới, 2 làn hôn hợp, vận tốc thiết kế cầu chính 80km/h…công trình khởi công xây dựng ngày 13/5, dự kiến thông xe kỹ thuật vào tháng 5/2024.
Trao đổi với PV Banduong.vn, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, các nhà thầu, đơn vị thi công sẽ tăng cường làm việc 3 ca 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dẫn cầu Rừng xong trong tháng tháng 6 tới.
Lý giải về sự chậm trễ tiến độ, vị lãnh đạo này cho biết cụ thể: Trong quá trình tổ chức thi công đường nối, cả tuyến đều nằm trên nền đất yếu phải xử lý lún. Trong đó, có 1,1km nền đường đất yếu, phải thực hiện thay đất, có vị trí đất phải thay dày đến gần 6m, áp dụng cọc cát, bấc thấm, gia tải chờ lún. Trong khi nguồn vật liệu đất đắp khan hiếm do khu vực đang cùng lúc có nhiều dự án triển khai, dẫn đến cao trình đắp đất gia tải xử lý lún kéo dài, không ổn định, ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án.
Với quyết tâm, nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trong tập trung khắc phục khó khăn, xử lý nhanh, sớm các tồn tại phát sinh để đưa công trình vào khai thác đồng bộ cùng cầu Bến Rừng.
Theo đó, những khó khăn tại dự án từng bước được tháo gỡ, nhiều biện pháp kỹ thuật thi công mới được áp dụng. Đến cuối tháng 4/2024, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành hệ thống cống ngang đường, nền đường; hoàn thành thi công cấp phối đá dăm được 800/2,2km và hoàn thành 2/4 lớp cấp phối đá dăm tại vị trí 1,4km còn lại. Đối với hạng mục nút giao cuối tuyến nối với tỉnh lộ 338, cơ bản hoàn thành lớp đất đắp K98 và tiến hành thảm bê tông nhựa C19.
Dự án đang trong giai đoạn tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục thì gặp thời tiết khu vực liên tục có mưa kéo dài, khiến công tác tổ chức thi công mặt đường không thể thực hiện được. Theo thống kê từ các nhà thầu, đã có 13 trận mưa lớn khiến hạng mục mặt đường buộc phải tạm dừng. Trước tình huống đó, để đảm bảo tiến độ, nhà thầu tập trung thi công các hạng mục không bị ảnh hưởng bởi mưa như: bó vỉa, hộ lan, điện chiếu sáng…
Những ngày trung tuần tháng 5 này, thời tiết khô ráo, nhà thầu tập trung tăng ca, kíp, huy động tối đa nhân lực, phương tiện tổ chức thi công đồng loạt hạng mục mặt đường. Bên phía Quảng Ninh quyết tâm hoàn thành mục tiêu hoàn thiện dự án, đảm bảo các điều kiện đưa vào khai thác trong tháng 6/2024.
Như vậy không có chuyện bên phía Quảng Ninh cho rằng đây là công trình của Hải Phòng nên thiếu quan tâm thúc đẩy dự án đường dẫn, dẫn đến sự chậm trễ, cố tình làm lỗi hẹn ngày thông xe cầu Bến Rừng như một số dư luận đồn thổi.
Cầu Rừng đi vào hoạt động sẽ nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nhân dân trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, thị xã Quảng Yên nói riêng và 2 tỉnh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh nói chung đi lại thuận tiện hơn. Công trình góp phần quan trọng từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa các địa phương khu vực.