VATA kiến nghị sửa đổi bổ sung văn bản QPPL về đào tạo lái xe
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có văn bản gửi tới Bộ giao thông vận tải về việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL về đào tạo lái xe.
Cụ thể, triển khai thực hiện Nghị quyết 68/2020/NQ-CP, ngày 12/05/2020 của Chính phủ về việc “Ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025”, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát để xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và đào tạo, sát hạch lái xe ô tô hiện không còn phù hợp với thực tế, trong đó trọng tâm là lĩnh vực đào tạo lái xe ô tô.
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức 04 Đoàn Thanh tra tại các địa phương và đã có báo cáo tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, nhiều quy định còn bất hợp lý, gây lãng phí và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các cơ sở đào tạo lái xe.
Việc chỉ đạo tổng rà soát các quy định trong các văn bản QPPL lần này của Bộ Giao thông vận tải đã tuân thủ các quy định trong Luật Ban hành văn bản QPPL và mang tính thực tiễn cao, cụ thể như: Xuất phát từ kiến nghị trong các Kết luận thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở đào tạo lái xe của các Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải trong năm 2023; các kiến nghị của các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố; kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Hiệp hội) và kiến nghị từ các cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc,.
Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, nhiều cuộc họp để xin ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực đào tạo lái xe ô tô trên toàn quốc, sau các cuộc họp nói trên Chủ tọa và hầu hết đại biểu dự họp đã thống nhất về các nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định không còn phù hợp với thực tế vào dự thảo các văn bản QPPL để trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Tuy nhiên, VATA cho biết, tại văn bản số 1730/CĐBVN-QLVT,PTN&NL về việc “Tiếp thu ý kiến rà soát của Vụ Pháp chế đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái” của Cục Đường bộ Việt Nam tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải lại loại bỏ hầu hết các nội dung đã thống nhất tại các cuộc họp nhằm sửa đổi, bổ sung các dự thảo văn bản QPPL trong năm 2023 (Hiệp hội đã tra cứu nội dung của Văn bản 1730/CĐBVN-QLVT,PT&NL, ngày 20/3/2024 trên Cổng thông tin của Cục Đường bộ Việt Nam).
Trước tình hình nhiều cơ sở đào tạo lái xe ô tô hiện đang tạm dừng hoặc tuyển sinh cầm chừng để chờ các văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe ban hành trong năm 2024, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu học, sát hạch để lấy Giấy phép lái xe của nhân dân.
Do đó, VATA kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét cho sửa đổi, bổ sung một số quy định về lĩnh vực đào tạo lái xe hiện hành nhưng không còn phù hợp với thực tế đã được cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan thống nhất trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến tham gia và thẩm định, nhằm tạo dựng hành lang pháp lý vừa thông thoáng vừa thực tiễn, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển đối với các cơ sở đào tạo lái xe, đồng thời phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Thứ nhất, về hình thức đào tạo các môn học lý thuyết
Luật GTĐB 2008 quy định học tập trung tại cơ sở đào tạo, nhưng đến nay quy định này không còn phù hợp với thực tế, thậm chí không thể thực hiện được. Kiến nghị, đề xuất: Cho phép hình thức đào tạo các môn học lý thuyết linh hoạt (học tập trung; học từ xa và tự học kết hợp với các buổi học tập trung để làm rõ và giải đáp các vấn đề mà học viên có yêu cầu).
Thứ hai, tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô
Theo quy định tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016 của Chính phủ “Giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô phải có trình trộ từ Trung cấp trở lên...”, đây là quy định không còn phù hợp, vì đào tạo lái xe các hạng đã điều chỉnh thời gian xuống dưới 03 tháng (không phải đào tạo sơ cấp mà là đào tạo thường xuyên), nên không nhất thiết phải yêu cầu giáo viên dạy thực hành lái xe phải có trình độ trung cấp trở lên.
Kiến nghị, đề xuất: Bổ sửa đổi, bổ sung cụm từ “Giáo viên dạy thực hành lái xe phải có trình độ từ Trung học phổ thông hoặc Trung cấp trở lên; các tiêu chuẩn khác vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành.
Thứ ba, chương trình đào tạo lái xe ô tô
Về Thời gian đào tạo lái xe hạng B2, hạng C: Theo quy định hiện hành, thời gian đào tạo lái xe hạng B2 và hạng C là trên 03 tháng (theo quy định của Pháp luật về Dạy nghề thuộc hệ đào tạo sơ cấp). Tuy nhiên, qua rà soát lại nội dung, chương trình đào tạo lái xe ô tô thì thời gian đào tạo xác định là dưới 03 tháng.
Kiến nghị, đề xuất: Điều chỉnh thời gian đào tạo hạng B2 và hạng C xuống dưới 03 tháng như dự thảo và xác định đào tạo lái xe hạng B2 và hạng C là đào tạo thường xuyên.
Về thời gian đào tạo lái xe trên đường: Theo quy định hiện hành là 810 km và 40 giờ /một học viên là không phù hợp, vì tốc độ xe chạy quá chậm không thể thực hiện được và nếu thực hiện sẽ gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình học lái xe trên đường.
Kiến nghị, đề xuất: Điều chỉnh thời gian học thực hành lái xe trên đường tối thiểu là 20 giờ/một học viên, giữ nguyên số km học thực hành là 810km.
Về thời gian học lái xe trong hình: Theo quy định hiện hành là 290km và 41 giờ/một học viên là không phù hợp, bởi: Xe vừa tiến vừa lùi thì không thể tính toán được số km xe chạy trong hình; theo khảo sát thực tế của Hiệp hội tại một số cơ sở đào tạo thì đa số học viên chỉ cần học thực hành trong hình từ 18 – 20 giờ là thuần thục các kỹ năng và tự tin dự kỳ sát hạch tại Trung tâm sát hạch lái xe, thậm chí nhiều học viên từ chối học hơn khi được giáo viên yêu cầu.
Về quy định số lượng học viên trên một đầu xe đến nay không còn phù hợp với thực tế, bởi: Hiện nay 100% phương tiện đào tạo lái xe ô tô đã được lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường của học viên học thực hành lái xe (DAT), nên không cần thiết phải phân bổ bao nhiêu học viên trên một đầu xe, thực tế một học viên có thể học nhiều Thầy giáo và trên nhiều đầu xe, miễn sao học viên đó chạy đủ số km và thời gian học thực hành lái xe theo quy định, đồng thời mỗi học viên được thiết bị DAT tích lũy (cộng dồn) số km trên các đầu xe.
Về công tác giáo vụ, ghi chép sổ sách trong quá trình đào tạo: Theo quy định hiện hành thì việc lập sổ sách, ghi chép, chữ ký của giáo viên đối với học viên hiện không còn phù hợp nữa, do khoa học công nghệ phát triển, do các xe tập lái đều được trang bị thiết bị DAT để giám sát từng học viên học thực hành lái xe.
Kiến nghị, đề xuất: Xem xét giảm sổ sách trên giấy, tăng cường số sách theo dõi trên máy tính; bỏ sổ sách theo dõi học thực hành lái xe đối với học viên, vì đã có thiết bị DAT đã lưu trữ đầy đủ thông tin cần thiết của mỗi học viên về học thực hành lái xe...