VATA góp ý về quy chuẩn xe chở học sinh
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải góp ý về dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xe ô tô.
Ngày 19/6/2024, VATA đã có công văn số 60/CV-HHVT gửi Bộ Giao thông vận tải để góp ý đối với dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô. Hiệp hội cho biết cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo, tuy nhiên cũng có một số ý kiến đóng góp để hoàn thiện Thông tư.
Trước hết, VATA kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét lại quy định tại điểm 2.33, 3.12 của dự thảo, trong đó yêu cầu "xe phải được trang bị thiết bị cảnh báo bằng đèn điện hoặc biển cảnh báo dừng đỗ, các thiết bị cảnh báo phương tiện khác không được vượt khi xe chở học sinh đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh...".
Hiệp hội đề nghị xem lại nội dung này xem có phù hợp với thực tế ở Việt Nam không? Vì hiện nay, xe chở học sinh ở nước ta không có bến riêng mà thường dừng đỗ ở cổng trường hoặc các điểm không có biển cấm dừng đỗ để cho học sinh lên xuống xe. Nếu quy định như dự thảo sẽ có hệ lụy là gây thêm ùn tắc giao thông ở các khu vực cổng trường học.
Đối với nội dung tại điểm 2.33.4 là “xe chở học sinh phải được trang bị hệ thống cảnh báo học sinh bỏ quên trên xe. Hệ thống có thể hoạt động tự động hoặc điều khiển bằng tay. Một số hệ thống cảnh báo hoặc có chức năng tương tự thì có thể trang bị trên xe để hoạt động độc lập hoặc kết hợp với nhau:” đề nghị không đưa đoạn: “Một số hệ thống cảnh báo hoặc có chức năng tương tự thì có thể trang bị trên xe để hoạt động độc lập hoặc kết hợp với nhau” vì trong quy chuẩn chỉ quy định những nội dung có tính bắt buộc. Nếu trang bị nhiều quá mà không sử dụng; chồng chéo sẽ phát sinh lãng phí.
Đồng thời, VATA kiến nghị rà soát lại một số nội dung khác trong điểm 2.33.4, chỉ quy định trong quy chuẩn những nội dung bắt buộc thực hiện và có quy định để kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện trên thực tế; không nên đưa quá nhiều quy định gây lãng phí cho doanh nghiệp và khó khăn cho cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu làm rõ trường hợp nhà trường tổ chức cho học sinh từ cấp trung học cơ sở trở lên tham gia các hoạt động dã ngoại, tổ chức các hoạt động không thường xuyên thì có nhất thiết phải sử dụng xe chuyên dụng chở học sinh hay không?