Vận tải biển Phương Đông lỗ 12 năm
Lũy kế 6 tháng đầu năm, CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (Osco, mã: NOS) ghi nhận doanh thu 72,5 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng 127 tỷ đồng.
CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (Osco, mã: NOS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu hơn 29 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2022. Kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp lỗ gộp gần 38 tỷ đồng. Dù các chi phí trong quý có giảm nhưng doanh nghiệp vẫn báo lỗ 65 tỷ đồng, giảm nhẹ so với khoản lỗ 97 tỷ đồng của năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Osco ghi nhận doanh thu 72,5 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng 127 tỷ đồng.
Osco đã liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng trong 12 năm kể từ năm 2012 đến nay. Tại thời điểm 30/6, số lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên đến hơn 4.897 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 4.638 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 5.221 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính là 2.956 tỷ đồng.
Chủ nợ lớn nhất của Osco là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam với hơn 1.100 tỷ đồng. Osco cũng nợ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với với tổng dư nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng Đông Nam Á cũng còn dư nợ hơn 450 tỷ đồng..
Tổng tài sản của Osco là 583 tỷ đồng, trong đó phần lớn tài sản là tài sản cố định với mức 423 tỷ đồng. Lượng tiền mặt của doanh nghiệp là khoảng 7 tỷ đồng. Doanh nghiệp còn có 104 tỷ đồng nợ xấu.
Theo tìm hiểu, Osco tiền thân là công ty Vận tải Thủy Bắc, thuộc Cục Đường sông Việt Nam. Doanh nghiệp được thành lập năm 1993 trên cơ sở chuyển đổi tổ chức Văn phòng Tổng công ty Vận tải sông I. Kinh doanh lĩnh vực vận tải hàng hóa, xăng dầu, container bằng đường biển, đường sông, đường bộ; vận tải hành khách.
Hiện nay, tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, mã: MVN) nắm giữ 49% vốn. Cổ phiếu của Osco đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ năm 2015 do lỗ nhiều năm liên tiếp. Trên thị trường, NOS có giá 900 đồng/cổ phiếu.