TS.Chong Su Li: Đặt câu hỏi là cách tốt nhất để học STEM
TS.Chong Su Li – Chủ tịch Trung tâm STEM tại Đại học UTP (Malaysia) mới đây đã có bài chia sẻ với nhiều thầy cô giáo về cách xây dựng tính cách STEM cho học sinh, từ đó tiếp cận STEM đúng cách.
Cuối tháng 5 vừa qua, TS. Chong Su Li đến từ Đại học UTP (Malaysia) đã chia sẻ về tầm quan trọng của giáo dục STEM và làm thế nào để học sinh có thể tiếp cận và học STEM đúng cách tại Hội thảo Kinh nghiệm đào tạo STEM dành cho học sinh phổ thông tại Bình Định.
TS. Chong cho rằng trong quá trình học STEM, học sinh cần tích cực đặt câu hỏi “tại sao” và “bằng cách nào”, dần dần hình thành tính cách STEM mạnh mẽ nhằm tìm ra giải pháp cho các vấn đề. Nhưng để làm được điều đó thì chính giáo viên cũng phải là những người có tính cách STEM mạnh mẽ để làm gương và truyền cảm hứng tới học sinh. Giáo viên cần biết đọc phản biện, biết tư duy phản biện trong quá trình tiếp cận kiến thức về toán học, khoa học, kỹ thuật và tin học.
Bên cạnh đó, TS. Chong cũng khẳng định tính cách STEM của học sinh sẽ dần được hình thành thông qua quá trình tư duy phản biện và kỹ năng đọc phản biện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thầy cô phải đẩy mạnh sự sáng tạo của học sinh, tránh có suy nghĩ rập khuôn, luôn linh hoạt trong mọi cách tiếp cận bởi kiến thức là không có biên giới.
Một cách tiếp cận hiệu quả mà các thầy cô có thể áp dụng là cho học sinh thực hành thật nhiều và tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu gốc rễ của vấn đề và có thể giải thích câu hỏi “tại sao” liên quan đến những thử nghiệm đó. Theo đó, TS. Chong đã giới thiệu chu kỳ 4R mà thầy cô và học trò đều nên thực hiện trong quá trình giảng dạy và học tập: Đọc (Read), Đặt câu hỏi (Raise questions), Nghiên cứu câu trả lời (Research for answers) và Kết nối với nhau trong quá trình học (Reach out to each other). Hãy đọc để tư duy và tích lũy kiến thức, sau đó đặt câu hỏi để biết não bộ của chúng ta đã hiểu kiến thức đó tới đâu. Sau khi đã có danh sách câu hỏi, chúng ta có thể nghiên cứu để tìm ra câu trả lời, để rồi từ câu trả lời đó, kết nối với nhau nhằm kiểm tra để biết rằng liệu những kiến thức ta vừa tiếp thu đã đúng hay chưa và có thể cải thiện ra sao.
Cũng trong hội thảo Kinh nghiệm đào tạo STEM cho học sinh phổ thông, TS. Đặng Văn Sơn (Liên minh STEM) chia sẻ rằng các thầy cô giáo khi giảng dạy STEM nên đặt học sinh vào những bối cảnh, vấn đề cụ thể của cuộc sống để từ đó rèn luyện cho học sinh sự chủ động trong tư duy và tìm ra cách giải quyết hiệu quả cho các vấn đề được đặt ra. Thầy Sơn cũng chỉ ra những sai lầm thường gặp của các thầy cô khi tiếp cận và giảng dạy STEM.
Ngoài ra, ThS. Lê Ngọc Tuấn – Nhà sáng lập Maker Việt cũng có những chia sẻ cụ thể về đào tạo STEM theo mô hình Câu lạc bộ. Theo anh Tuấn, liên kết các câu lạc bộ với nhau để tạo thành "làng xã" cũng là mô hình hiệu quả giúp kết nối các bạn học sinh cùng chung đam mê và ý tưởng nhằm tạo ra những sản phẩm hoàn thiện nhất. Hội thảo kết thúc với phần trình bày của giáo viên FPT Schools về chương trình STEM tại Hệ thống Phổ thông FPT.
Hội thảo Kinh nghiệm đào tạo STEM cho học sinh phổ thông diễn ra trong khuôn khổ ngày hội khoa học công nghệ Fschools STEM Day 2022, tổ chức bởi Hệ thống Phổ thông FPT tại trường THPT FPT Quy Nhơn (Khu đô thị mới An Phú Thịnh, Bình Định). Ngày hội bao gồm nhiều hoạt động như chung kết toàn quốc cuộc thi Fschools STEMpetition 2022, hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh, triển lãm sản phẩm STEM và hội thảo dành cho giáo viên, thu hút sự tham gia của gần 1,000 học sinh, giáo viên trong khu vực tỉnh Bình Định.