Triển vọng nào cho cổ phiếu thép?
Các doanh nghiệp thép Việt Nam tại thời điểm hiện tại cũng đã kiểm soát hàng tồn kho về mức thấp, do đó, có thể kiểm soát biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới tốt hơn so với giai đoạn 2022.
Nhu cầu tiêu thụ thép tiếp tục suy giảm trong quý I/2023 và dự phóng sẽ đi ngang trong quý II/2023. Sản lượng tiêu thụ trong 2 tháng đầu năm 2023 suy giảm so với cùng kỳ, trong đó thép xây dựng giảm 28% YoY, HRC giảm 23% YoY trong bối cảnh thị trường bất động sản nội địa gặp khó khăn.
Việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về quy định chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ là một động lực để thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trong ngắn hạn doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn về dòng tiền dưới tác động của nợ vay, vốn huy động từ trái phiếu, cũng như nhu cầu sụt giảm. Do đó, sản lượng tiêu thụ của ngành thép vẫn sẽ duy trì ở mức thấp trong quý II/2023.
Tại thị trường nội địa, giá thép được điều chỉnh tăng 8 lần trong quý I/2023 nhằm đảm bảo chi phí giá vốn hàng bán. Cụ thể, giá thép ước tính tăng 10% so với quý IV/2022, song song với đó, giá quặng sắt tăng 23% QoQ, giá than cốc tăng 10% QoQ, thép phế liệu tăng 31% QoQ, phôi thép tăng 11% QoQ.
Giá bán và giá nguyên vật liệu sẽ giảm dần từ giờ tới cuối năm khi nguồn cung khôi phục. Giá nguyên vật liệu sẽ hạ trong các quý tới đây nhờ các quốc giá xuất khẩu nguyên vật liệu thép lớn như Brazil, Australia có thể sẽ cần hạ giá bán để đảm bảo thu hút khách hàng khi nhu cầu tiêu thụ lớn tại Trung Quốc cũng sẽ suy giảm để phục vụ mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, doanh nghiệp tại Mỹ cũng có kế hoạch khởi động lại các nhà lò cao để phục vụ cho nhu cầu của thị trường với sự thiếu hụt nguồn cung ghi nhận trong quý I/2023. Do đó, giá thép trên thị trường quốc tế cũng sẽ có sự suy giảm trong các quý tới đây trong bối cảnh nguồn cung được khôi phục nhưng sản lượng tiêu thụ ở mức thấp khi nhu cầu về bất động sản tại trường Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng.
Hiện tượng khan hiếm HRC tại thị trường Mỹ và Châu Âu sẽ giữ cho nền giá cao trong 2 quý 2023 trước khi giảm vào cuối quý khi nguồn cung tại Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ phục vụ ổn định cho nhu cầu khu vực.
Biên lãi gộp của các doanh nghiệp thép sẽ được cải thiện so với quý IV/2022. Các doanh nghiệp thép Việt Nam tại thời điểm hiện tại cũng đã kiểm soát hàng tồn kho về mức thấp, do đó cũng sẽ có thể kiểm soát biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới tốt hơn so với giai đoạn 2022.
Ước tính đà tăng đột biến của giá HRC trong tháng 2/2023 và tháng 3/2023 cũng đã giúp cho HPG, HSG, NKG cải thiện được kết quả kinh doanh của mình trong quý I/2023. Tuy nhiên, trong các quý sắp tới thì các doanh nghiệp trên vẫn sẽ gặp khó khăn về sản lượng tiêu thụ do nhu cầu yếu từ lĩnh vực bất động sản.
Về triển vọng cổ phiếu, đánh giá trung lập với HPG, HSG và NKG. Cổ phiếu ngành thép đã tăng trung bình 10-20% trong quý I/2023 sau mức suy giảm mạnh trong quý IV/2022 khi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Sự suy giảm trong hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép cũng đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, giai đoạn phía trước vẫn còn khá nhiều rủi ro chủ yếu liên quan tới sản lượng tiêu thụ do tác động từ thị trường bất động sản nên các nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh sâu khi mặt bằng P/B giảm xuống vùng thấp của lịch sử trước khi thực hiện tích lũy từng phần với mục tiêu dài hạn.