Top cổ phiếu triển vọng tháng 3
Trong tháng 3, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp đầu ngành, tài chính lành mạnh, kết quả kinh doanh quý I dự kiến cải thiện hoặc có câu chuyện tăng trưởng giai đoạn tới và đang có mức định giá phù hợp đơn cử như BAF, GMD, HPG, IDC, MSN, POW.
Thị trường chứng khoán tháng 2 sụt giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản. VN-Index đóng cửa ở mức 1.025 điểm, giảm gần 8% kể từ đầu tháng. Cùng với đó thanh khoản giảm nhẹ 4% so với tháng trước với giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt khoảng 11.600 tỷ đồng. Khối ngoại đã đảo chiều bán ròng trên sàn HOSE với quy mô khoảng 260 tỷ đồng sau 3 tháng mua ròng liên tiếp.
Bước sang tháng 3, thị trường vẫn còn nhiều thách thức từ cả trong và ngoài nước, bao gồm diễn biến phức tạp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước và ẩn số đến từ kỳ họp sắp tới của Fed.
Mặc dù vậy, thị trường tháng 3 cũng có những thông tin hỗ trợ như (1) Nghị định 08/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu riêng lẻ được ban hành; (2) Dòng vốn ngoại kỳ vọng quay lại thị trường khi một số quỹ ETF có thể sẽ giải ngân trong tháng 3; (3) Lãi suất sau giai đoạn tăng đã có dấu hiệu tạo đỉnh, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu hạ lãi suất huy động và cho vay, qua đó hỗ trợ dòng tiền trên thị trường.
Từ những luận điểm trên, gợi ý danh mục đầu tư tháng 3, trong đó ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp đầu ngành, tài chính lành mạnh, kết quả kinh doanh quý I dự kiến cải thiện hoặc có câu chuyện tăng trưởng giai đoạn tới và đang có mức định giá phù hợp.
Với BAF, giá một số loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính như ngô, lúa mì, đậu tương đã bắt đầu hạ nhiệt từ nửa cuối năm 2022, và tiếp tục được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt trong năm 2023 nhờ các nước dần khôi phục lại sản lượng sản xuất và xuất khẩu; giá phân bón, vật tư nông nghiệp đang giảm khá mạnh.
Giá lợn hơi gần đây đang ở mức 50.000 đồng/kg, giá lợn hơi có thể tạo đáy và phục hồi trong năm 2023 bởi nhu cầu ăn uống tăng trở lại khi ngành du lịch dịch vụ tiếp đà hồi phục trong năm 2023; nguồn cung từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh sau giai đoạn dài thua lỗ bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong khi giá lợn hơi ở mức thấp.
Vừa qua, Lễ Công bố Đối tác Chiến lược và Ký kết Hợp đồng Đầu tư giữa Tổ chức Tài chính Quốc Tế (IFC) và BAF đã diễn ra. Trong đó, IFC sẽ cung cấp gói tài trợ tối đa 39 triệu USD, bao gồm 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 300 tỷ đồng trái phiếu thường dành cho BAF, hỗ trợ phát triển các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm.
Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 kỳ vọng đạt hiệu suất cao sau khi vận hành, nhờ tiếp nhận một lượng khách sau khi chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ. Gemadept đã thực hiện nâng giá dịch vụ xếp dỡ thêm khoảng 5 - 20%, qua đó giúp hỗ trợ doanh thu hoạt động cảng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Theo đó, kỳ vọng GMD có lợi nhuận đột biến từ thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ trong năm 2023
Về HPG, giá thép xây dựng trong nước đang tăng trở lại kể từ đầu năm 2023, hiện đã quanh ngưỡng 17 triệu đồng/kg, tăng tương ứng 15 - 20% kể từ đầu năm nay. Giá thép trên thị trường thế giới thậm chí còn tăng mạnh hơn khi giá HRC đã tăng hơn 33% kể từ đầu năm. Đây là tín hiệu tích cực cho HPG khi doanh nghiệp có thể cải thiện biên lợi nhuận sau hai quý khó khăn cuối năm 2022.
Sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát tháng 2 đạt 282.000 tấn và 2 tháng đầu năm đạt 586.000 tấn, giảm lần lượt 37% và 30% so với cùng kỳ. Đối với thép HRC, sản lượng tháng 2 của Hòa Phát đạt 186.000 tấn, mặc dù vẫn giảm 22% so với cùng kỳ nhưng đã tăng khá tích cực so với những tháng trước đó.
Với kỳ vọng sản lượng thép có thể dần phục hồi, HPG cũng đang có kế hoạch khởi động lại 3 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Dung Quất và 1 lò cao ở Hải Dương trong nửa đầu năm 2023.
Dự kiến trong năm 2023, IDC sẽ ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng dự án Khu dần cư phường 6, Tân An cho Aeon Mall giá trị ước tính hơn 300 tỷ đồng. Điều này sẽ tác động tích cực đến dòng tiền của IDC.
Tiềm năng dài hạn từ các dự án gối đầu. IDC có kế hoạch phát triển thêm quỹ đất hơn khoảng 2.000 - 3.000ha ở các tỉnh Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng của IDC trong dài hạn. Dự án KCN Tân Phước 450ha mới dự kiến sẽ nối tiếp quỹ đất hiện tại nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của IDC trong dài hạn.
Bên cạnh đó, cũng kỳ vọng chuỗi bán lẻ sẽ sớm đạt điểm hòa vốn EBIT trong năm 2023 khi sức cầu tiêu thụ dự báo phục hồi vào nửa cuối năm cũng như các cửa hàng WIN mới được nhân rộng.
Kỳ vọng có thể xuất hiện đà tăng giá trong ngắn hạn khi các quỹ ETF chuẩn bị tiến hành giải ngân trong tháng 3. Hiện tại, một số quỹ ETF lấy chỉ số VN30 làm tham chiếu sẽ có kế hoạch giải ngân trong tháng 3 này, do đó, MSN có thể sẽ nằm trong top cổ phiếu được giao dịch trong thời gian tới.
Còn POW, điều kiện thời tiết thuận lợi cho tăng trưởng sản lượng huy động và giá phát điện trong năm 2023.
Kỳ vọng tái vận hành tổ máy số 1 của dự án Vũng Áng 1 trong tháng 3. Đây là nhà máy điện than đang trong quá trình đại tu tổ máy số 1 từ cuối năm 2021. Dự kiến việc sửa chữa sẽ hoàn thành trong tháng 3, là cao điểm tiêu thụ điện của miền Bắc.
Bên cạnh đó, việc giá than đã giảm hơn 50% trong 2 tháng đầu năm cũng sẽ giúp các nhà máy có sử dụng than nhập khẩu giảm bớt áp lực thiếu nguyên liệu, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh và biên lợi nhuận gộp của nhà máy Vũng Áng.
P/B của POW hiện ở mức 0,9x lần, là mức định giá tương đối thấp so với bình quân 5 năm (trên 1,1x lần) và cơ hội tăng trưởng sản lượng huy động và lợi nhuận trong năm 2023.