Tín hiệu tốt từ 5 tuyến buýt mới ở Đà Nẵng
Sau hơn 15 ngày đi vào hoạt động, 5 tuyến xe buýt trợ giá (giai đoạn 2) tại thành phố đang dần có khách trở lại là tín hiệu khả quan cho loại hình phương tiện giao thông công cộng.
Chị Trần Thị Liên, ở Hòa Phú (Hòa Vang, Đà Nẵng), hành khách của tuyến xe buýt 5 (lộ trình là khu chung cư Hòa Hiệp Nam - Công viên Biển Đông) cho biết, với tần suất hoạt động từ 10-30 phút/chuyến như hiện nay đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho người dân chọn lựa việc di chuyển bằng xe buýt. Trước đây, thời gian hoạt động kéo dài đến 30 phút/chuyến rất bất tiện cho người dân có nhu cầu đi lại gấp, nhất là học sinh nếu lỡ chuyến là trễ học…
Cùng chung suy nghĩ này, anh Nguyễn Đức Kha (100 Phan Thanh, Thanh Khê) chia sẻ:" Các con của tôi trước đây đều đi học bằng xe buýt nhưng do thời gian chờ mỗi chuyến quá lâu nên vợ tôi chọn cách chở con đi học bằng xe máy cho thuận tiện. Nay, thành phố điều chỉnh lại giờ chạy xe từ 10-30 phút/chuyến thì trong năm học tới, gia đình sẽ để con đi học bằng xe buýt với loại trên 16 chỗ ngồi sẽ nhanh hơn, xe lại chạy bảo đảm thời gian không sợ trể giờ con cái đi học đi làm…".
Có mặt trên tuyến số 12 (Trạm xe buýt Xuân Diệu đi bến xe buýt Phạm Hùng) trong ngày 7/8/2023, PV nhận thấy lượng hành khách đi xe chưa nhiều chỉ chiếm từ 40-50%, nhưng không còn vắng như trước đây. Nhân viên bán vé Phạm Thị Thuận cho biết, đang là mùa hè, học sinh chưa trở lại trường nên lượng khách chưa cao.
Mặt khác, các tuyến buýt mới hoạt động trở lại sau 2 năm (do hết hạn hợp đồng) nên người dân chưa quen với lộ trình mới của các tuyến. Do đó, phải một thời gian nữa người dân nắm được thông tin, chắc sẽ đi nhiều như thời điểm trước dịch. Theo lái xe Phạm Văn Hùng, hành khách đi nhiều nhất là trong khung giờ cao điểm sáng hoặc cao điểm chiều. Chuyến xe đông khách nhất bán được khoảng 60.000 đến 100.000 đồng tiền vé. Còn các khung giờ còn lại vẫn rất vắng. Thực tế, tuyến buýt trợ giá mới vừa được đưa vào hoạt động nên khách chưa đông cũng là điều bình thường vì chưa có sự cạnh tranh.
Còn lái xe Nguyễn Văn Thái (lái xe tuyến 7) đánh giá, từ ngày khai trương đến nay người dân thành phố rất hài lòng với chất lượng xe tốt, chạy đúng quy trình tuyến. Trong khi đó, đội ngũ nhân viên lái xe và nhân viên bán vé trên xe luôn luôn lịch sự, bảo đảm ATGT, ân cần, đồng thời tuân thủ nghiêm nội quy của công ty và thành phố đề ra. Qua đó, xây dựng những tuyến buýt trợ giá, ngày một phát triển để phục vụ người dân được tốt hơn.
Theo ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng: “Các tuyến buýt đã có sự điều chỉnh điểm đầu điểm cuối nhằm rút ngắn thời gian hành trình, tránh lòng vòng nhằm tăng tính hiệu quả của tuyến. Thời gian qua, ngành giao thông thành phố đặt mục tiêu cải thiện hạ tầng, công nghệ.
Trong đó, chúng tôi hướng đến việc sắp xếp lại lộ trình và bố trí các điểm dừng, nhà chờ hợp lý, thuận lợi để người dân dễ tiếp cận xe buýt. Đồng thời, tiếp tục vận động cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên sử dụng xe buýt để thay dần xe cá nhân. Mới đây, Đà Nẵng thí điểm việc cho thuê xe đạp và bố trí một số điểm cho thuê gần các bến, điểm dừng xe buýt để hoàn thiện hệ thống vận tải công cộng, hy vọng sẽ kéo người dân trở lại với xe buýt”.
Được biết, để thu hút người dân sử dụng xe buýt trở lại, Sở GTVT đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, ngoài việc tổ chức quy hoạch lại bến bãi, thay đổi lộ trình, đồng thời bố trí 61 trạm cho thuê xe đạp công cộng ở gần các trạm xe buýt, thêm lựa chọn tiếp cận xe buýt cho người dân thay vì chỉ đi bộ hoặc đi taxi. Trước mắt, các tuyến sẽ cố gắng chạy chuẩn giờ, lộ trình để thu hút người dân đi xe. Cùng với đó, sau thời gian thí điểm chương trình “Quản lý thông tin và cung cấp dịch vụ, tiện ích cho khách hàng đi xe buýt” vừa qua, thành phố cũng chính thức phát hành vé xe buýt điện tử bằng QRCode.
Thông qua ứng dụng Danabus, người dân có thể mua vé trực tuyến và thanh toán một cách dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện. Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại có kết nối 3G hoặc 4G, hành khách có thể mua vé xe buýt trực tuyến trên ứng dụng Danabus và sử dụng trên tất cả các tuyến xe buýt ở TP Đà Nẵng. Hiện, ứng dụng đăng ký vé xe buýt QR Code triển khai trên app Dananbus trên 5 tuyến xe buýt trợ giá.
Bên cạnh đó, ứng dụng cũng tích hợp các cổng thanh toán điện tử, như VNPay, ví điện tử Momo để kết nối thanh toán trực tuyến khi hành khách mua vé QR. Danabus cũng cho phép mua vé giúp và in vé QR ra giấy để đi xe. Ứng dụng QR trong phát hành vé điện tử góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt công cộng, hướng đến sự tiện lợi, văn minh để người dân hưởng lợi dịch vụ từ chuyển đổi số. Ngoài ra, Sở GTVT TP Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu bổ sung các điểm trông giữ xe cá nhân để người gửi xe khi sử dụng phương tiện công cộng.