Chuyên mục


Tiền đề mở rộng hành lang kinh tế ven biển phía nam

28/01/2023 11:13 (GMT +7)

Khu kinh tế ven biển Long An được kỳ vọng trở thành điểm kết nối từ tam giác tài chính - kinh tế gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai với khu vực Tây Nam Bộ, góp phần thúc đẩy phát triển toàn khu vực, tạo tiền đề mở rộng hành lang kinh tế ven biển sang Tiền Giang, Bến Tre và các tỉnh cực nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út vừa có những chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ ngày đầu xuân mới về kế hoạch phát triển một khu kinh tế đa năng, phục vụ cho định hướng "phát triển vùng kinh tế công nghệ cao" của tỉnh cùng với kỳ vọng lan tỏa phát triển cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


chu-tich-long-an-16747105769831373265754
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út

Quy mô kinh tế chiếm 13,6% toàn vùng ĐBSCL

Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đặt ra mục tiêu duy trì tỉnh dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình thế giới bất ổn, các địa phương trong vùng hiện cũng đang nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Những điều này có ảnh hưởng tới mục tiêu của tỉnh không thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út: Nhìn lại năm 2021 và 2022, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga và Ukraine,… đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của Long An. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, chung sức, chung lòng, chủ động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển đã đặt ra.

Năm 2022, tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết của Tỉnh ủy và chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,46%; GRDP bình quân đầu người đạt 90,2 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 22 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ…

Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2022 theo giá hiện hành đạt 156.363 tỷ đồng, so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì Long An tiếp tục có quy mô lớn nhất vùng, chiếm 13,6%. Kết quả này cũng cho thấy Long An đang phục hồi rất nhanh sau đại dịch.

Những thành tựu nêu trên rất quan trọng, có ý nghĩa động viên, khích lệ, cổ vũ rất lớn để tôi tin tưởng rằng Long An tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Long An đang nằm trong top 10 địa phương thu hút nhiều nhất đầu tư nước ngoài của cả nước. Đầu tư nước ngoài đang đóng vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế của tỉnh, thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út: Đối với mỗi địa phương, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách luôn được xem là động lực cho sự phát triển. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Long An thời gian qua đóng vai trò rất quan trọng cho hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, cải thiện chuỗi cung ứng, nâng cao trình độ cho các doanh nghiệp trong tỉnh, thúc đẩy hội nhập sâu rộng hơn cả về kinh tế - xã hội với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh lợi thế tiếp giáp và kết nối các tỉnh vùng ĐBSCL với TPHCM, thời gian qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh luôn được đổi mới, sáng tạo, cải cách mạnh mẽ về phương thức; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thực chất hơn, đặc biệt là môi trường đầu tư của tỉnh luôn được tập trung cải thiện; lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp do đó công tác thu hút đầu tư thời gian qua đã đạt được kết quả rất tích cực. Hiện Long An đã thu hút được trên 10 tỷ USD với khoảng 1.160 dự án FDI đến từ khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh hoạt động khá hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp lớn cho ngân sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và  tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Kỳ vọng trong năm 2023, Long An sẽ có đột phá trong thu hút các dự án đầu tư lớn trong nước và trên thế giới.

Được coi là cửa ngõ của TPHCM với các tỉnh vùng ĐBSCL và ngược lại, tuy nhiên, vấn đề hạ tầng, nhất là giao thông đang là một trở ngại để phát huy lợi thế này của Long An. Vấn đề này sẽ được khắc phục như thế nào trong thời gian tới thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út: Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thì kinh tế mới có điều kiện tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.

Hạ tầng giao thông của Long An hiện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cụ thể như: Thiếu nguồn lực thực hiện; khó khăn trong giải phóng mặt bằng; một số tuyến đường giao thông quan trọng xuống cấp nhưng không được đầu tư nâng cấp (Quốc lộ 62, Quốc lộ N2,…). Do vậy, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm "đi trước một bước" đang là đòi hỏi bức thiết của tỉnh.

Để giao thông phát triển bứt phá, góp phần thúc đẩy phát triển, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 3 giải pháp trọng tâm.

Việc đầu tiên và rất quan trọng đó là khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch tỉnh đã tích hợp phương án phát triển giao thông vận tải, đảm bảo phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.

Tiếp đến tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công các dự án trong kế hoạch.

Và thứ ba là thực hiện đa dạng hóa nguồn lực đầu tư. Để có nguồn lực thực hiện mục tiêu, tỉnh đã rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung triển khai đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng theo từng giai đoạn. 

Trước mắt, cân đối nguồn lực từ ngân sách tỉnh; đồng thời, xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn như ODA, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (BT, BOT...).

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tôi tin rằng hạ tầng giao thông của Long An sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI của tỉnh đề ra.

Khu kinh tế ven biển: Động lực tăng trưởng mới của Long An

Rất nhiều nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước đang chú ý đến khu kinh tế ven biển định hướng thu hút lĩnh vực công nghệ cao của tỉnh. Ông có thể cho biết một số thông tin về dự án này và tiến độ triển khai đến nay như thế nào?

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út: Với vị trí địa lý rất đặc biệt khi là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, nhất là tiếp giáp với TPHCM, Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp - logistics của vùng ĐBSCL, hội tụ đủ các điều kiện để đa dạng hóa kinh tế, phát triển khu kinh tế đa năng, phục vụ cho định hướng "phát triển vùng kinh tế công nghệ cao" mang tầm khu vực của tỉnh.

Nằm ở phía đông nam của tỉnh Long An, dự kiến Khu kinh tế ven biển Long An nằm trên hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước, có cảng nước sâu, gần các cảng biển của TPHCM, gần sân bay… được kỳ vọng sẽ trở thành điểm kết nối từ tam giác tài chính - kinh tế gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai với khu vực Tây Nam Bộ để thúc đẩy phát triển và lan lỏa cho toàn khu vực, tạo tiền đề mở rộng hành lang kinh tế ven biển sang Tiền Giang, Bến Tre và tiến xuống các tỉnh cực nam.

Tại buổi Tọa đàm "Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao" vào tháng 4/2021 do UBND tỉnh tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện nhà đầu tư trong nước và quốc tế, bước đầu đã thu hút được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc. 

Tỉnh cũng đã tổ chức chương trình làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc và giới thiệu Đề án Khu kinh tế tại Long An với sự tham gia của đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc như KOICA, Korcham, Lotte, Samsung, Hanwha, SK…

Hiện Long An đã hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch xác định việc thành lập Khu kinh tế ven biển Long An có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là khả năng kết nối liên vùng, kết nối quốc tế và các khu vực phát triển trong và ngoài tỉnh.

Khu kinh tế ven biển hứa hẹn trở thành động lực tăng trưởng mới của Long An, một hệ sinh thái công nghệ cao, một khu kinh tế đổi mới, sáng tạo, đón đầu, thu hút dòng vốn đầu tư mới trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI đang diễn ra mạnh mẽ, với tầm nhìn dài hạn trở thành Khu kinh tế công nghệ cao kiểu mẫu của Việt Nam, cũng như trong khu vực.

Sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ thông qua, tỉnh sẽ khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để sớm thành lập và đưa Khu kinh tế ven biển hoạt động theo đúng định hướng phát triển./.

Theo Báo Điện tử Chính phủ
TT.Huế: Đóng lối đi 'tử thần' băng ngang đường sắt Bắc - Nam
Đóng lối đi tự mở băng ngang đường sắt Bắc - Nam tại vị trí Km698+050 (đoạn Huế - Hương Thủy), nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch chậm tiến độ
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài hơn 8km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và địa bàn TPHCM. Điểm đầu giao với tỉnh lộ 25B (Nhơn Trạch, Đồng Nai). Điểm cuối giao với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Hà Tĩnh: Chây ỳ khắc phục ảnh hưởng xấu khi khai thác mỏ đá Hưng Thịnh
Mặc dù đã được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần nhưng chủ quản lý khai thác mỏ đá Hưng Thịnh đóng trên địa bàn xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn chây ỳ trong biện pháp khắc phục gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân.

Bắt kịp xu thế tất yếu - chuyển đổi năng lượng xanh
Chuyển đổi năng lượng xanh đang là xu thế tất yếu của thế giới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững.

Loài hổ bị đe dọa bởi tin đồn “thần dược”
Trong khi chưa có tài liệu nào kiểm chứng về công dụng của cao hổ cốt thì việc sử dụng các sản phẩm từ hổ đã khiến loài này bị đe dọa, các cá thể trong tự nhiên suy giảm rõ rệt.

Quảng Ninh: Đề xuất dùng cát biển đắp nền đường giao thông
Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh đề xuất thí điểm dùng cát biển làm nền đường các công trình giao thông trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu cát san lấp các dự án giao thông và mặt bằng các khu công nghiệp đang thiếu nghiêm trọng hiện nay.

Hải Phòng cấm đỗ ô tô trên đường phố trung tâm
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa đưa ra sự chỉ đạo quyết liệt, từ ngày 1/4/2025, chỉ cho phép dừng, không đỗ xe ô tô trên các tuyến đường giao thông, đặc biệt là trong khu vực trung tâm thành phố.