Thứ trưởng Lê Đình Thọ lên phương án ưu tiên du lịch trên 5 loại hình vận tải
Bộ GTVT đang tập trung vào một số việc cần làm ngay. Thứ nhất là các hiệp định, không chỉ đường hàng không mà cả đường bộ, hàng hải, cả hiệp định song phương và đa phương để xử lý những điểm bất cập;...
Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nêu rõ: "Chúng tôi nhận thức du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, các ngành, địa phương cần phải vào cuộc để đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Chúng ta đang phấn đấu du lịch chiếm tỷ trọng từ 10 đến 13% GDP nhưng đối với những nước phát triển như Châu Âu, du lịch chiếm tỷ trọng từ 20 -30%".
Ông Lê Đình Thọ cũng rất tán thành quan điểm, khi làm du lịch thì chắc chắn phải theo một quy luật chung mang tính chất chuỗi. Theo đó, với cơ chế thị trường như hiện nay, du lịch không nên đòi hỏi quá nhiều từ Nhà nước mà cần thông qua các doanh nghiệp và người dân. Nhà nước thực hiện chiến lược, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, đặc biệt là cơ chế để hỗ trợ mang tính thời điểm để tạo động lực phát triển. Những ý kiến của doanh nghiệp đề xuất rất phù hợp, cần phải nghiên cứu trong những thời điểm nhất định.
Về vấn đề liên quan đến ngành GTVT, trong kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt về đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Kết cấu hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết để phát triển, trong đó có du lịch.
Hiện nay, cả nước đang tập trung cho lĩnh vực đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy cũng như hệ thống cảng biển, các lĩnh vực liên quan đến 5 loại hình vận tải đều có liên quan đến du lịch. Đến năm 2021, Việt Nam có 1.163 km đường cao tốc, cố gắng đến thời điểm 30/4/2023 sẽ có thêm khoảng 500 km đường cao tốc. Đây chính là hạ tầng hết sức quan trọng. Những tuyến cao tốc này mang tính chất trục dọc và kết nối các vùng, tạo điều kiện để phát triển du lịch.
Trong điều kiện về hạ tầng hàng không, với Tân Sơn Nhất và Nội Bài, bây giờ có thể nói hạ tầng đường cất hạ cánh đã được đảm bảo. Về vấn đề cảng biển, ngoài hàng hóa, bây giờ lượng khách đi du lịch theo con đường hàng hải cũng rất lớn. Bộ GTVT đang tiến hành củng cố một số cảng ngoài vận chuyển hàng hóa còn vận chuyển hành khách như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu.
Bộ GTVT đang tập trung vào một số việc cần làm ngay. Thứ nhất là các hiệp định, không chỉ đường hàng không mà cả đường bộ, hàng hải, cả hiệp định song phương và đa phương để xử lý những điểm bất cập.
Thứ hai, Bộ sẽ làm việc các đối tác để làm sao tăng được các chuyến bay lên và giữ được slot mà trước năm 2019 mình đã có. Vấn đề thứ ba, giao cho Cục Hàng không rà soát để bố trí ưu tiên những giờ cao điểm, những giờ đẹp cho những chuyến bay quốc tế. Đặc biệt, đối với thị trường Trung quốc, Cục Hàng không đã chỉ đạo các hãng để có một chuyến bay kết nối ngày 25/4, các điểm bay giữ được những điểm bay mà trước đây đã thực hiện.
Riêng về đường biển, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng Hải phối hợp cùng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có những tàu vận tải khách vào các cảng biển. Về đường thủy nội địa, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường thủy phối hợp với các địa phương để khai thác các tuyến đường thủy nội địa này.
Về đường bộ, Bộ GTVT đang tiến hành đấu nối với phía Trung Quốc. Hiện nay có 9 cửa khẩu nối với Trung Quốc, 15 của khẩu với Lào và 9 cửa khẩu với Campuchia bằng đường bộ.