Thủ phủ vải thiều Bắc Giang mất mùa chưa từng có
Sau 4 năm được mùa liên tiếp, năm nay, "thủ phủ" vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang bị mất mùa lớn với tỷ lệ cây vải ra hoa, đậu quả rất thấp. Sản lượng vải cả năm dự báo sụt giảm 50% so với năm 2023.
Chưa năm nào mất mùa như năm nay
Ông Ngô Văn Hùng ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, gia đình trồng hơn 2 ha vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với bình quân vườn vải xuất khẩu này cho thu khoảng gần 200 triệu đồng/năm thì năm nay cả khu vườn gần như mất trắng vì cây không ra hoa.
“Nhận thấy nhiều điều bất thường từ khoảng tháng 12 khi hoa vải mới bật lên thì gặp ngay cơn mưa rét dẫn tới chạm nhẹ vào hoa đã thấy rụng. Tiếp tục theo dõi chăm sóc cây vải thiều đều và được làm từng bước bón phân, khoanh cây như các năm trước để cứu vãn nhưng vẫn không thành công”- ông Hùng tâm sự.
Cũng theo ông Ngô Văn Hùng cho biết, từ đầu vụ đến nay, khá nhiều đối tác gọi điện đặt hàng từ lúc mới ra hoa nhưng gia đình cũng chỉ hứa hẹn tạm, không dám ký hợp đồng vì năm nay cả vườn gần mất trắng. Thậm chí gia đình ông Hùng còn không có vải để ăn vì cây vải không ra hoa.
"Đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi đã ngừng chăm sóc cây vải để chờ vụ tới. Vải không ra quả nên chúng tôi chỉ thi thoảng phát quang cỏ trong vường và dừng toàn bộ hoạt động chăm sóc khác như tưới nước, bón phân, phun thuốc. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, gia đình phải tập trung chú trọng hơn vào công tác chăn nuôi gia súc và trồng thêm nhiều loại cây ngắn ngay để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống”- ông Hùng chia sẻ.
Chị Phùng Thị Vinh ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết gia đình chị có kinh nghiệm trồng vải thiều hơn 20 năm, thế nhưng chưa thấy năm nào lại bị mất mùa nặng nề như năm nay.
“Vì các loại vải sớm như u hồng, u trứng, một số giống vải khác… phản ứng không chặt chẽ như vải chính vụ. Vải chính vụ phản ứng với cái lạnh rất chặt chẽ, rõ ràng, tức là mùa đông phải đủ lạnh và lạnh phải đúng thời điểm mới phân hóa được mầm hoa"- chị Vinh thông tin thêm.
Cũng theo chị Phùng Thị Vinh cho biết, gia đình chị đầu tư khoảng vài chục triệu đồng cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để giúp cây vải tăng trưởng sớm đến ngày được thu hoạch. Nhưng đến nay không thể thu hoạch, bản thân cảm thấy rất chua xót, nhưng vẫn hi vọng mất mùa cây được "nghỉ ngơi" để sang năm mang đến vụ mùa thắng lợi.
Vẫn chong đèn hái từ nửa đêm
Năm nay dù vải chính vụ mất mùa, nhưng cứ mỗi mùa vải đến độ thu hoạch, người dân khắp huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lại chong đèn hái vải từ nửa đêm đến rạng sáng để kịp mang đi tiêu thụ.
Từ 4h sáng, khi mọi người đang yên giấc, gia đình bà N.T.N tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) đã cùng nhau lên đồi thu hoạch vải thiều. Vào lúc sáng sớm vải thường được giá cao, nếu thu hoạch muộn, ánh nắng mùa hè chiếu vào khiến quả vải mất màu, mẫu mã không còn đẹp nên khó bán hơn, giá sẽ thấp hơn.
"Năm nào cứ đến độ này là gia đình tôi lại dồn toàn lực để đi thu hoạch vải vào ban đêm, vừa tránh được ánh nắng gay gắt của mùa hè, vừa đảm bảo được màu sắc cho trái vải”- bà N. cho biết.
Theo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, với diện tích trồng vải toàn huyện Lục Ngạn là 17.360 ha (trong đó: Vải chín sớm diện tích gần 4.000 ha, Vải chính vụ trên 13.000 ha), tổng sản lượng ước đạt khoảng 50 nghìn tấn (giảm 48.500 tấn so với kế hoạch).
“Chủ yếu là do mùa đông năm 2023 ấm hơn so với trung bình hằng năm khoảng 1- 1,5oC và ít có rét kéo dài, có xuất hiện 1-2 đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa ẩm làm ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển và quá trình phân hóa mầm hoa cho cây vải; đặc biệt đối với trà vải chính vụ, tỷ lệ vải ra hoa đạt thấp”- đại diện phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn thông tin.
Trước tình hình sản lượng giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, trực tiếp là người dân trồng vải và các hộ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu thụ và chế biến. Trước những khó khăn đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND huyện Lục Ngạn tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn nhân dân chăm sóc các diện tích cho quả, tập trung về mặt chất lượng, nâng tầm giá trị sản phẩm để bù vào sản lượng thiếu hụt.