Chuyên mục


Thay đổi thú vị về ô tô và xe máy trong hơn một thập kỷ qua

17/04/2024 11:00 (GMT +7)

Theo Báo cáo “Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2022” của Tổng cục Thống kê, tình hình ô tô và xe máy tại Việt Nam qua hơn 1 thập kỷ đã có nhiều thay đổi thú vị.

Cụ thể, tính tới 2022, Tây Nguyên là vùng kinh tế có số lượng ô tô cao nhất cả nước, với gần 9 ô tô trên 100 hộ dân, tiếp đó là tới Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) với 7 ô tô, trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (BTBDHMT) tương đương nhau với 6 ô tô; Đông Nam bộ với gần 5 ô tô và cuối cùng thấp nhất cả nước là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với gần 2 ô tô trên 100 hộ dân.

Thay đổi về số lượng ô tô của người dân ở các vùng kinh tế trong hơn một thập kỷ qua

Thay đổi về số lượng ô tô của người dân ở các vùng kinh tế trong hơn một thập kỷ qua

Tây Nguyên cũng là vùng có sự thay đổi về số lượng ô tô nhiều nhất trong hơn 1 thập kỷ qua, với số lượng ô tô năm 2022 gấp 12,7 lần vào năm 2010, và tăng gấp hơn 2 lần chỉ trong vòng có 2 năm từ 2020 - 2022. Điều đáng ngạc nhiên là vào năm 2020, số lượng ô tô tại Tây Nguyên mới chỉ xếp thứ 4 trong 6 khu vực kinh tế, trong đó đứng đầu là khu vực ĐBSH. Như vậy, có thể thấy, vào thời điểm 2020, tỷ lệ sở hữu ô tô của hộ dân ở miền Bắc nói chung cao hơn miền Trung và miền Trung lại cao hơn miền Nam. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô ở Tây Nguyên đã vươn lên dẫn đầu cả nước. Điều đáng ngạc nhiên, là nếu xét về bình quân nhân khẩu thì Tây Nguyên lại ở nhóm khá thấp, đạt xấp xỉ 3,3 triệu đồng/tháng, chỉ trên TDMNPB.

Thay đổi về thu nhập bình quân theo tháng của dân cư ở các vùng kinh tế trong hơn một thập kỷ qua

Thay đổi về thu nhập bình quân theo tháng của dân cư ở các vùng kinh tế trong hơn một thập kỷ qua

Điều này có thể lý giải do địa hình Tây Nguyên chủ yếu là đồi núi, giao thông phức tạp, di chuyển bằng xe máy gặp nhiều khó khăn hơn ô tô. Hơn nữa, nền kinh tế Tây Nguyên phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, đặc biệt là các cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu. Việc vận chuyển bằng ô tô sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với xe máy, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Mặt khác, những năm gần đây, hệ thống giao thông tại Tây Nguyên đã được cải thiện đáng kể với nhiều tuyến đường mới được xây dựng và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển bằng ô tô. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về thuế phí cho xe bán tải, phổ biến tại Tây Nguyên, giúp giảm giá thành xe, khiến việc sở hữu xe trở nên dễ dàng hơn với người dân.

Lùi ngược về thêm 10 năm nữa, Đông Nam Bộ đã từng là vùng có tỷ lệ sở hữu ô tô cao nhất cả nước với trên 2 chiếc trên 100 hộ dân. Song, tính đến nay Đông Nam Bộ lại là khu vực có tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất trong 6 khu vực, và hiện xếp thứ 5 về số lượng ô tô cả nước, chỉ trên ĐBSCL. Điều này có thể do cơ sở hạ tầng giao thông của Đông Nam Bộ còn kém phát triển, trong khi số lượng dân cư thì đông đúc, dẫn đến tình trạng quá tải của hệ thống giao thông, khiến việc di chuyển bằng ô tô gặp nhiều khó khăn do tắc nghẽn. Vì vậy người dân vẫn ưu tiên sử dụng các phương tiện khác như xe đạp, xe máy hoặc phương tiện công cộng hơn là ô tô.

Cũng theo Tổ chức Các nhà sản xuất ô tô quốc tế (OICA), tính tới năm 2020, cứ 1.000 người thì có 55 người sở hữu ô tô. Đáng chú ý, nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, Việt Nam có tỷ lệ sở hữu ô tô tăng nhanh nhất thế giới, với 17% trong giai đoạn từ năm 2015-2020. Theo sau là Trung Quốc và Ấn Độ với tốc độ lần lượt là 14% và 10%.

Thay đổi về số lượng xe máy của người dân ở các vùng kinh tế trong hơn một thập kỷ qua

Thay đổi về số lượng xe máy của người dân ở các vùng kinh tế trong hơn một thập kỷ qua

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của xe máy thấp hơn ô tô rất nhiều, cao nhất là ĐBSCL với 1.4 lần trong hơn 1 thập kỷ qua. Nhìn chung, đến thời điểm năm 2022, tỷ lệ sở hữu xe máy trên 100 hộ dân ở các khu vực không có sự chênh lệch nhiều, trên dưới 90%. Trung bình chỉ có khoảng 10% người dân chưa có xe máy. Tỷ lệ xe máy ở các khu vực kinh tế cũng đã gần đạt mức độ bão hoà nên trong vòng 2 năm, từ 2020 -2022 không có sự chênh lệch đáng kể.

Và cũng theo nghiên cứu của Công ty truyền thông Seasia (Indonesia) năm 2023, hiện tại, Việt Nam cũng đang đứng đầu Đông Nam Á về tỉ lệ người sử dụng xe máy với mức gần 73%, thấp nhất là Singapore với mức 2,4%. Điều này có nghĩa người Việt đang dùng xe máy gấp 30 lần người Singapore. Thống kê này được tính toán dựa trên dữ liệu về số lượng đăng ký, sử dụng xe máy ở từng nước chia cho tổng dân số quốc gia đó. Seasia lý giải có nhiều lý do để xe máy phổ biến ở Việt Nam như vậy. Xe máy là giải pháp di chuyển hợp lý vì giá mua và chi phí nuôi xe rẻ hơn nhiều so với ô tô.

Ngoài ra, kích thước nhỏ gọn của xe máy phù hợp với giao thông đông đúc và không gian hạn chế tại các đô thị lớn của Việt Nam. Đây cũng là một trong trong những phương tiện di chuyển tiết kiệm nguyên liệu nhất. Điều này không chỉ có ý nghĩa với túi tiền người sử dụng, mà qua đó cũng xả thải ít hơn. Và điều đó cũng lý giải vì sao những chiếc xe hai bánh sử dụng động cơ điện nhanh chóng được ưa chuộng.

Lưu Trang
Phà ra đảo Cát Bà hoạt động trở lại
Sau nhiều giờ dừng phục vụ để đảm bảo an toàn trong bão số 3, từ 12 giờ trưa nay (9/9), phà Đồng Bài – Cái Viềng nối đảo Cát Bà với đảo Cát Hải của Hải Phòng đã chính thức hoạt động trở lại.

Phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Pleiku tầm nhìn đến năm 2050
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Pleiku thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vietjet tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm
Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet vừa công bố báo cáo tài chính sau kiểm toán 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

Cật nhật giá xăng, dầu từ ngày 5/9
Giá xăng và dầu cùng giảm từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính. Trong đó, giá xăng về dưới 21.000 đồng một lít.

Quảng Ninh: Mở tuyến vận tải hành khách du lịch tới Nam Ninh - Trung Quốc
Ngày 4/9, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin về tuyến vận tải xuyên quốc gia kết nối Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Cước vận tải biển hạ nhiệt
Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, cước vận tải biển giảm mạnh ở tuyến châu Á - bờ Tây nước Mỹ và châu Âu là tín hiệu tích cực cho thị trường vận tải biển giúp giảm chi phí vận tải, dễ dàng hơn trong việc đặt chỗ và tăng hiệu quả kinh doanh

Lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến tăng 8%
Sản lượng hành khách tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất vào ngày 30/8 và 3/9 dự kiến lên đến 125.000 người/ngày.