Techcombank "rót" tiền vào bất động sản nhiều nhất hệ thống?
Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
Các ngân hàng vẫn tăng vốn cho bất động sản 10 - 50%
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 12% so với năm 2020. Tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
Với dư nợ cho vay toàn nền kinh tế vào cuối năm 2021 đạt hơn 10,4 triệu tỷ, ước tính dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản nằm trong khoảng 1,87-2,08 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản là khoảng 600.000 - 670.000 tỷ đồng.
Tuy chưa có số liệu cả năm, nhưng báo cáo tài chính quý III cho thấy dư nợ cho vay đối lĩnh vực bất động sản ở một số ngân hàng đã tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2021.
Xét trong hệ thống, Techcombank là ngân hàng có dư nợ liên quan đến bất động sản lớn bậc nhất và có sự tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian gần đây. Tại ngân hàng này, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng 9 tháng đầu năm đạt hơn 130.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm đến 40% tổng dư nợ của ngân hàng. Tính cả các khoản vay cá nhân mua nhà, dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản của ngân hàng này có thể lên tới 74% tổng dư nợ.
Tính đến 30/9/2021, cho vay mua nhà của Techcombank (chiếm khoảng 80% cơ cấu cho vay cá nhân) đạt hơn 109.000 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm, chiếm 34% tổng dư nợ của ngân hàng.
Trước đó, tính đến thời điểm 30/6/2021, nhà băng này đang dẫn đầu về cả số dư và tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản, lần lượt ở mức gần 101.489 tỷ đồng và chiếm hơn 33% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ. Số dư nợ này tăng 11% trong 6 tháng qua, tương đương tăng hơn 10.128 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính công ty mẹ quý 2 năm 2021 (đã soát xét), nếu gộp cả dư nợ trong lĩnh vực xây dựng và cá nhân (khoảng 80% là cho vay mua nhà để ở), tổng dư nợ cho vay liên quan bất động sản của Techcombank có thể lên tới hơn 200.000 tỷ, tăng khoảng 17% so với đầu năm.
Thực tế, Chủ tịch Hồ Hùng Anh từng khẳng định trong ĐHĐCĐ năm 2020, riêng với bất động sản là ngành đã được Techcombank xác định ưu tiên từ 5 năm trước. Định hướng này đã được khẳng định là đúng đắn thể hiện qua kết quả kinh doanh của ngân hàng những năm vừa qua. Đối tượng khách hàng của Techcombank không dàn trải, chỉ tập trung ở một vài doanh nghiệp lớn, chiếm đa số thị phần trong nước, có rủi ro thấp và lợi nhuận cao như VinGroup, SunGroup.
Ngoài ra, ông Hồ Hùng Anh cho biết định hướng của Techcombank là tập trung cấp tín dụng cho các khoản vay có tài sản bảo đảm để hệ số rủi ro chứ không tập trung cho vay tín chấp. Nhu cầu vay mua nhà, sửa nhà, mua ô tô là nhu cầu lớn nhất của cá nhân, cho vay bất động sản lớn cũng không khó hiểu. Do đó, con số cho vay bất động sản tại Techcombank trong thời gian qua cũng không quá bất ngờ.
Tại VPBank, thời điểm 30/9/2021, dư nợ cho vay cá nhân mua nhà ở, quyền sử dụng đất ở của là gần 49.050 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cuối năm 2020 và chiếm 15,6% tổng dư nợ tín dụng. Cho vay kinh doanh bất động sản đạt hơn 35.762 tỷ đồng, chiếm 11,27% tổng dư nợ tín dụng.
MSB, 9 tháng đầu năm 2021, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng tăng 46,3% đạt gần 23.850 tỷ đồng. Theo đó, tỷ trọng cho vay hai mảng này tăng từ mức 20,53% hồi đầu năm lên 24,34% tổng dư nợ cho vay.
Tương tự, VIB cho vay lĩnh vực bất động sản tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 17,6% so với đầu năm, đạt 80.000 tỷ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ của ngân hàng.
TPBank, 3 quý đầu năm 2021, cho vay thêm gần 1.600 tỷ đối với lĩnh vực bất động sản và xây dựng, tương đương tăng 10,2%. Hết quý III/2021, dư nợ cho vay của TPBank đối với hai ngành nghề này đạt hơn 17.200 tỷ, chiếm 12,94% tổng dư nợ. Riêng cho vay để kinh doanh bất động sản tăng 21,5% so với cuối năm 2021 và chiếm 7,41%.
Cuối tháng 9/2021, Ngân hàng Bản Việt cho vay 6.965 tỷ, tăng 23% so với với cuối năm 2020 và chiếm 15,5% tổng dư nợ. Trong khi cho vay mảng xây dựng giảm 11,3% xuống còn 6.245 tỷ.
Còn Kienlongbank, dư nợ cho vay mảng bất động sản và xây dựng vào cuối quý III/2021 đạt gần 5.000 tỷ, tăng 36% so với cuối năm 2020. Với tổng dư nợ cho vay tăng 0,59%, tỷ trọng cho vay đối với hai lĩnh vực này tăng từ 10,5% lên 14,3%.
Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng mới được NHNN thực hiện, các TCTD dự kiến tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản và sử dụng thẻ tín dụng trong nửa đầu năm 2022.
Tín dụng 2022 sẽ giảm bất động sản; ưu tiên vận tải, du lịch, lưu trú
Tại buổi họp báo “Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022” vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/1, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2022, dòng vốn ngân hàng sẽ tiếp tục được ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú. Đặc biệt ngành Ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng triển khai gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ.
NHNN tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh. NHNN đã sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN bằng Thông tư 03/2021/TT-NHNN và tiếp đó là Thông tư 14/2021/TT-NHNN theo hướng mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, phí để hỗ trợ khách hàng. Song song với đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận, giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp; tập trung vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh phục hồi.
Bước sang năm 2022, định hướng của NHNN tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, song tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả. “Tín dụng sẽ được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán…”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh. Hiện NHNN theo dõi rất sát sao đối với hoạt động cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay kinh doanh bất động sản. Sắp tới đây có thể sẽ tổ chức một số hội nghị chuyên đề về vấn đề này nhằm mục đích vừa cảnh báo, vừa định hướng vừa tăng cường kiểm tra giám sát dòng tiền vào những lĩnh vực này.
Liên quan đến các chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội thông qua, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm dự kiến triển khai trong hai năm 2022-2023, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng. Các trường hợp được hỗ trợ bao gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi và các trường hợp vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.
Bên cạnh đó, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong năm 2022, NHNN sẽ điều hành lãi suất theo diễn biến thị trường, cân đối với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu của chính sách tiền tệ. Đặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, gia tăng các gói vay ưu đãi hỗ trợ các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh.
Cùng với đó, NHNN sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số; tiếp tục chỉ đạo hệ thống TCTD triển khai mạnh Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến hết năm 2025. NHNN cũng sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, đốc thúc các TCTD triển khai Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Liên quan đến hoạt động tài trợ vốn tín dụng cho các doanh nghiệp đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), ông Nguyễn Văn Du - quyền Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, NHNN có văn bản yêu cầu tất cả NHTM rà soát và báo cáo hoạt động cho vay, bảo lãnh dự thầu đối với các khách hàng tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đến nay, hầu như tất cả các TCTD đã báo cáo liên quan vụ việc.
Đồng thời, NHNN cũng rà soát qua hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) về việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm. Kết quả cho thấy không có TCTD nào tham gia cho vay đặt cọc đối với 4 công ty trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Tính đến ngày 27/12/2021, hệ thống các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 780.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với dư nợ trên 301.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/01/2020 đạt khoảng 616.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2,26 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7,6 triệu tỷ đồng cho khoảng 1,32 triệu khách hàng.
Tính từ 23/1/2020 đến 20/12/2021 tổng số tiền lãi các TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng đạt khoảng gần 37.500 tỷ đồng. Trong đó, 16 NHTM (chiếm 75% tổng dư nợ toàn nền kinh tế) đã miễn, giảm, hạ lãi suất khoảng gần 18.100 tỷ đồng cho khách hàng (tính từ 15/7/2021 đến 30/11/2021).
Về giảm phí dịch vụ, theo thống kê của NHNN, tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ quốc gia (Napas) đã giảm cho khách hàng từ năm 2020 đến hết năm 2021 là khoảng 2.557 tỷ đồng và giảm trên 250 tỷ đồng tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng trong năm 2021.
Một trong những điểm sáng nữa là hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của hệ thống ngân hàng. Theo đó, NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, đặc biệt đã chỉnh sửa hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động của hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số. Kết quả, thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng trong năm 2021 đã có tăng trưởng khá mạnh. Đến cuối tháng 11/2021 giao dịch thanh toán qua internet đã tăng 49,3% về số lượng và 31,34% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,64% và 86,58%, trong khi thanh toán qua QR Code cũng đã tăng 50,36% về số lượng và gần 131% về giá trị.