Taxi Gojek được khuyên rút khỏi Việt Nam
GoTo của Indonesia vẫn chưa gặt hái được lợi nhuận sau 1 năm niêm yết và nhà đầu tư vẫn dè chừng mã cổ phiếu này vì liên tục chìm trong sắc đỏ. Trong khi đó, công ty con Gojek vẫn phải chạy nhiều chương trình khuyến mại để cạnh tranh với các đối thủ ở thị trường Việt Nam.
Andre Soelistyo, CEO của GoTo tại Indonesia (công ty mẹ của Gojek), đã tỏ ra khiêm tốn trước sự gia tăng hơn 50% lỗ ròng của công ty trong năm 2022. Thời điểm này là giai đoạn tương đối khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận của Gojek. "Có thể xem đây là một năm đã làm thay đổi suy nghĩ của ban lãnh đạo công ty, chúng tôi cần phải suy nghĩ lại về cơ cấu hoạt động trong thời gian tới", Soelistyo nói tại một cuộc họp báo tháng 3.
Năm 2022, GoTo lỗ ròng thêm 56% lên 40,4 nghìn tỷ rupiah - tiền Indonesia (tương đương 2,7 tỷ USD) so với năm 2021, bất chấp doanh thu tăng gấp đôi lên 11,3 nghìn tỷ rupiah.
Goto ra đời trong bối cảnh sáp nhập Gojek và Tokopedia - một công ty tiên phong trong thương mại điện tử địa phương. Đây được coi là thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Indonesia vào tháng 5 năm 2021. Cả hai công ty đều là những "kỳ lân" có tiếng, khi đó các startup được định giá hơn 1 tỷ USD.
Không ngạc nhiên khi nhà đầu tư đã trở nên e ngại về GoTo. Kể từ khi niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia vào ngày 11/4/2022, cổ phiếu của GoTo đã liên tục giảm sút, giá đóng cửa gần đây giao động khoảng 101 rupiah giảm khoảng 2/3 so với giá cơ sở công bố ban đầu của công ty là 338 rupiah. Hiện, vốn hóa thị trường của GoTo hiện đang đứng thứ 14 trên IDX với mức giá 119,6 nghìn tỷ rupiah.
Piter Abdullah, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Segara đặt tại Jakarta cho biết, rằng đối với GoTo, điều lớn nhất mà công ty phải đối mặt là thời điểm không thuận lợi. "Công ty niêm yết vào thời điểm thị trường đang chuyển hướng chống lại ngành công nghệ và đòi hỏi lợi nhuận, thay vì tăng trưởng nhanh chóng."
Goto cũng cho biết, khoản lỗ ròng lớn hơn được gây ra bởi nhiều yếu tố, bao gồm một khoản giảm giá hữu nghị trị giá 11 nghìn tỷ rupiah liên quan đến việc sáp nhập của Gojek và Tokopedia, hai công ty thuộc GoTo.
Ngoài ra, GoTo cũng đề cập đến một sự tăng về chi phí bồi thường trả bằng cổ phiếu để cho nhân viên nghỉ việc. Đây là chi phí tái cấu trúc phát sinh ghi nhận vào báo cáo tài chính. Có tháng, Goto đã cắt giảm thêm 600 nhân viên và dự kiến sẽ cắt giảm thêm 1.300 nhân viên, tương đương 12%. Ở góc độ tài chính, đây được cho là động thái mới nhất và cần thiết để "tạo ra một tổ chức được tinh gọn hơn".
Các nhà phân tích đón nhận điều này, nhưng cho rằng đó chỉ là một phần của giải pháp. "Chỉ cắt giảm việc làm sẽ không đủ", một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng việc tăng tốc các hoạt động kinh doanh sẽ cần thiết và là giải pháp mạnh hơn. Bao gồm cắt giảm các hoạt động không cốt lõi, nhấn mạnh vào việc tăng hiệu quả và cải thiện lợi nhuận của các nhà quản lý đơn vị kinh doanh và thoái vốn khỏi các thị trường như Việt Nam - nơi việc tiếp tục là không khả thi trong thời gian gần hoặc trung hạn.
Còn ông Reza Priyambada, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu CSA lại cho rằng, không cần phải thay đổi quản lý, mà cần "tập trung vào cách quản lý chi phí" và làm việc để tăng doanh thu thông qua sáng tạo. Còn việc chi tiêu quá nhiều cho các chương trình khuyến mãi là "tốt cho khách hàng, nhưng lại không ổn cho công ty tại thời điểm thua lỗ này", Priyambada đưa ra nhận xét.