Tập đoàn Volkswagen tái cơ cấu việc thu mua linh kiện bán dẫn
Tập đoàn Volkswagen đang tiến hành tái thiết lại các hoạt động mua bán linh kiện điện tử và chất bán dẫn nhằm đáp ứng nguồn cung cho các kế hoạch dài hạn của Tập đoàn.
Nước đi này của Tập đoàn Volkswagen giúp giữ vững được vị trí dẫn đầu cả về công nghệ lẫn tính cạnh tranh so với các đối thủ. Để đạt được mục tiêu trên, Tập đoàn đã phát triển một chiến lược mới cho công cuộc mua sắm thiết bị điện tử.
“Mức độ minh bạch cao trong chuỗi giá trị chất bán dẫn cùng với kiến thức chính xác về các bộ phận được sử dụng cho phép chúng tôi xác định tốt hơn nhu cầu toàn cầu và tính sẵn có của các bộ phận này. Điều này được nhấn mạnh bởi hoạt động quản lý rủi ro, trong tương lai, sẽ mở rộng đến cấp độ của từng bộ phận điện tử riêng lẻ và giúp chúng tôi phát hiện sớm các tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và tránh chúng. Đối với các chất bán dẫn có tầm quan trọng chiến lược và thậm chí cả những dự án phát triển theo kế hoạch của Tập đoàn trong tương lai, chúng tôi sẽ dựa vào việc mua sắm trực tiếp từ các nhà sản xuất chất bán dẫn” Dirk Große-Loheide, Thành viên Hội đồng Quản lý Mua sắm của Thương hiệu Volkswagen và thành viên hội đồng quản trị của Tập đoàn cho biết.
Trước đây, các cấu kiện điện tử như bộ phận điều khiển được mua sắm và các nhà cung ứng bậc 1 được tự do quyết định họ sẽ sử dụng loại linh kiện nào. Trong tương lai, cùng với sự cộng tác và hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng bậc 1, việc mua sắm của Tập đoàn sẽ xác định rõ ràng các chủng loại linh kiện điện tử và chất bán dẫn được sử dụng.
“Ngoài ra, việc này được thực hiện bởi tất cả các thương hiệu khác thông qua Ủy Ban Nguồn Cung Ứng Chất Bán Dẫn (SSC) được thành lập đặc biệt cho mục đích này, với đại diện từ bộ phận mua sắm và phát triển của các thương hiệu cũng như từ Volkswagen Group Components và CARIAD. Hơn thế nữa, tính minh bạch liên quan đến chất bán dẫn có nghĩa là các giải pháp thay thế kỹ thuật có thể được xác định và triển khai nhanh hơn trong trường hợp có tắc nghẽn xảy ra”. Karsten Schnake, thành viên hội đồng mua sắm tại Škoda Auto và người đứng đầu COMPASS (Cross Operational Management Parts & Supply Security) giải thích những lợi thế.
Chất bán dẫn là yếu tố không thể thiếu đối với ngành công nghiệp ô tô: Nó không chỉ là nền tảng của việc sản xuất hàng loạt mà còn là động lực cho sự đổi mới và là chìa khóa để ra mắt các sản phẩm mới trên thị trường.
Nhu cầu sử dụng chất bán dẫn ngày càng tăng là kết quả của quá trình điện khí hóa phương tiện giao thông và xu hướng sử dụng các chức năng hỗ trợ người lái, hướng đến xe tự lái hoàn toàn hiện nay. Những sự đổi mới về xu hướng và công nghệ kể trên là tiền đề để sử dụng các chất bán dẫn tiên tiến. Trong khi đó, nhu cầu về các chất bán dẫn phổ biến vẫn được duy trì hoặc thậm chí là tăng thêm. Sự cải tiến của phương tiện là đặc trưng của việc sử dụng linh kiện bán dẫn: Vào năm 1978, chỉ có 8 linh kiện bán dẫn được lắp đặt trong bộ phận điều khiển của chiếc Porsche 911. Ngày nay, một chiếc Škoda Enyaq được trang bị khoảng 90 bộ điều khiển bao gồm khoảng 8000 linh kiện điện tử.
Sự phát triển nói trên cũng có tác động đến giá trị của các linh kiện điện tử trong xe, giá trị của chúng được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030 so với mức trung bình hiện nay là khoảng 600 Euro cho mỗi xe. Theo đánh giá của Tập đoàn và các phân tích liên quan, tầm quan trọng của ngành ô tô dưới tư cách là khách hàng của ngành bán dẫn cũng ngày càng đi lên. Ngày nay, ngành công nghiệp ô tô hiện đang đứng thứ 5 trong số những khách hàng lớn với khối lượng mua sắm chất bán dẫn toàn cầu đạt xấp xỉ 47 tỷ đô la Mỹ. Đến 2030, ngành công nghiệp ô tô được dự đoán sẽ vượt lên và chiếm vị trí thứ 3 cùng với giá trị mua sắm trên thị trường đạt 147 tỷ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, hậu quả của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng về chip bán dẫn vẫn còn tồn tại. Để giải quyết những thách thức khổng lồ trên và đồng thời đảm bảo nguồn cung linh kiện bán dẫn, Tập đoàn Volkswagen đã đưa ra sáng kiến COMPASS vào đầu năm 2022 với trọng tâm hoạt động ban đầu của tổ chức là bảo vệ các chương trình liên quan đến phương tiện của Tập đoàn. Các nước đi chiến lược sau này của Tập đoàn đã được xây dựng, thai nghén trên cơ sở những bài học kinh nghiệm trong cuộc khủng hoảng chất bán dẫn, từ đó cho ra đời các giải pháp được phát triển và triển khai dài hạn.