Tăng tốc giải ngân 33.000 tỷ đồng, khởi công 32 dự án giao thông
Xác định nhiệm vụ của Bộ GTVT trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, đặc biệt là khối lượng giải ngân còn nhiều (hơn 33.000 tỷ đồng), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA tập trung chỉ đạo triển khai trên công trường, tăng sản lượng thi công, lũy tiến công tác giải ngân.
Thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ GTVT vào sáng 28/6, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT) cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước tổng số 50.328 tỷ đồng; gồm: 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng vốn trong nước.
Tính đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban QLDA tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, phân bổ toàn bộ 4.877 tỷ đồng (100%) vốn nước ngoài và 40.466 (89%) vốn trong nước.
Còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế hoạch, Bộ GTVT dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.
Giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước
Dự kiến, đến hết tháng 6/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 39,8% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Gồm: 1.843 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 37,8% và 15.357 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 33,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
"Dù công tác giải ngân gặp khó khăn trong quý đầu tiên, song từ tháng 3/2022 đến nay, các chủ đầu tư/ban QLDA cùng các cơ quan, đơn vị đã nỗ lực, đưa kết quả giải ngân luôn cao hơn mức giải ngân trung bình của cả nước từ 5-7%", ông Nguyễn Danh Huy cho biết.
Còn hơn 33.000 tỷ đồng cần giải ngân
Tuy nhiên, ông Huy cũng thông tin, khối lượng giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2022 còn rất lớn, khoảng 33.100 tỷ đồng.
Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng này, Bộ GTVT đã đề ra nhiều giải pháp, có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022 như: Các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt cấp bách, Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến tránh Long Xuyên, dự án kết nối giao thông Tây Nguyên, kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc, tuyến tránh QL1A qua Cà Mau, tuyến tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột...
Để bảo đảm phân bổ, giải ngân hết kế hoạch năm 2022 được giao, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT đề nghị các chủ đầu tư, ban QLDA đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện; rà soát, đề xuất nhu cầu bổ sung kế hoạch năm 2022 cho các dự án đang thực hiện từ nguồn vốn kế hoạch năm 2022 chưa phân bổ của Bộ.
Đối với các dự án khởi công mới, có dự kiến sử dụng kế hoạch vốn năm 2022 nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, các đơn vị căn cứ tiến độ hoàn thiện thủ tục và kết quả rà soát lại nhu cầu sử dụng vốn trong năm 2022 để đề xuất điều hòa, điều chỉnh lại từ kế hoạch năm đã giao cho các dự án khác của đơn vị.
Quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định, gia hạn hiệp định các dự án ODA, các ban QLDA phụ trách cần có sự trao đổi với các cục, vụ chuyên môn của Bộ GTVT để sớm hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm tiến độ giải ngân.
Tập trung triển khai trên công trường, tăng sản lượng thi công
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ GTVT xác định cần tận dụng mọi cơ hội để cùng cả nước thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án trọng điểm, động lực quốc gia. Do đó, từ đầu năm 2022 đến nay, lãnh đạo Bộ đã chủ trì trên 230 cuộc họp và rất nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm.
Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt 834 triệu tấn, tăng 11,3% so với năm 2021, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, Thứ trưởng nói và cho biết, bên cạnh nhiệm vụ phát triển hạ tầng, duy trì ổn định hoạt động vận tải, thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả kiểm soát tải trọng xe, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế.
Công tác bảo trì kết cấu hạ tầng được thực hiện kịp thời, bảo đảm thuận lợi cho người tham gia giao thông, nhất là vào mùa mưa, lũ.
Xác định nhiệm vụ của Bộ GTVT trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, đặc biệt là khối lượng giải ngân còn nhiều (hơn 33.000 tỷ đồng), Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA tập trung chỉ đạo triển khai trên công trường, tăng sản lượng thi công, lũy tiến công tác giải ngân.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận...
Sở GTVT các địa phương, đặc biệt là các địa phương có 3 dự án mới được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư là: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sở GTVT cần tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT thực hiện tốt nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng các dự án.
Riêng với những tồn đọng tại các dự án BOT hiện nay, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải pháp kiến nghị các cấp thẩm quyền xử lý.
Khởi công 32 dự án trong 6 tháng cuối năm
Thông tin tại Hội nghị, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, theo kế hoạch, năm 2022 sẽ khởi công 38 dự án và hoàn thành 30 dự án.
Trong đó, 6 tháng đầu năm, 6 dự án đã được hoàn thành thủ tục được khởi công và 6 dự án được hoàn thành, đạt 100% kế hoạch đề ra và 6 tháng cuối năm, 32 dự án sẽ hoàn thành các thủ tục để khởi công và 24 dự án có kế hoạch phải hoàn thành.
Đối với 32 dự án dự kiến khởi công trong 6 tháng cuối năm, tính đến hết tháng 6/2022 đã hoàn chỉnh các thủ tục đủ điều kiện phê duyệt 25/32 dự án (bao gồm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam).
Bảy dự án còn lại chưa phê duyệt dự án đầu tư, gồm: Dự án đường tránh phía đông TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang; Dự án QL6 tuyến tránh TP. Hòa Bình; QL.2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; Dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía bắc.