Tài chính "mất phanh" ở Đức Long Gia Lai
Bến xe phía Nam Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư thua lỗ và bị bỏ hoang suốt 10 năm do không được hỗ trợ cơ chế từ địa phương; tuy nhiên, suốt chặng đường dài, doanh nghiệp này cũng bị "mất lái" về quản trị tài chính.
Doanh nghiệp xin trả lại bến xe cho thành phố, lấy lại tiền đầu tư
Bến xe phía Nam Đà Nẵng nằm trên trục QL1A thuộc thôn Quá Giáng (Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng) có diện tích hơn 30.000m2 do Công ty CP Đức Long Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Bến xe từng được xây dựng khang trang và trang bị đầy đủ các hạng mục: Nhà chờ, phòng bán vé, bãi đỗ xe theo tuyến, các công trình dịch vụ tiện ích, nhà nghỉ, trạm y tế, quầy vé... với tổng đầu tư gần 130 tỷ đồng, theo chuẩn bến xe loại 1.
Tháng 9/2012, Bến xe phía Nam khánh thành, năng lực khai thác lên đến 800 - 1.000 lượt xe xuất bến/ngày. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm đưa vào hoạt động, các nhà xe, doanh nghiệp vận tải hành khách rút khỏi bến, lần lượt chuyển về đăng ký tuyến tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.
Thời gian qua, bến xe phía Nam TP Đà Nẵng được giao cho Công ty Cổ phần Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng quản lý tạm thời. Một trong những nguyên nhân khiến bến xe này không hoạt động là do bến xe nằm xa trung tâm nội đô thành phố nên các xe khách không vào bến, việc phân luồng, tuyến cũng có những bất hợp lý. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long cũng chưa hoàn thành thủ tục về hoạt động bến bãi theo quy định của ngành GTVT.
Được biết, TP. Đà Nẵng vẫn giữ nguyên bến xe trung tâm thành phố tại quận Cẩm Lệ mà không di dời xây dựng bến xe phía Bắc tại quận Liên Chiểu theo quy hoạch trước đó. Đồng thời TP. Đà Nẵng tiếp tục cho thuê đất 50 năm để bến xe trung tâm tiếp tục hoạt động tại đây. Chính vì vậy, bến xe phía Nam không thể thu hút xe khách vào bến, bởi cách xa trung tâm đếm hơn 13km.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải chạy vạy cầu cứu khắp nơi, gửi hàng loạt đơn thư, văn bản kiến nghị đến các cấp địa phương, trung ương để được phân định luồng tuyến theo quy hoạch, triển khai hoạt động... nhưng bất thành.
Tháng 11/2012, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo không đồng ý điều chuyển một số hoạt động vận tải khách từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng về Bến xe phía Nam.
Tháng 5/2013, Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND Đà Nẵng thực hiện đúng theo quy hoạch. Trong đó phân định luồng tuyến Bến xe phía Nam cho các tuyến vận chuyển khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên.
Đến tháng 6/2013, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản chỉ đồng ý cho các phương tiện xe tải, xe container và các đơn vị vận tải tuyến cố định có nhu cầu đăng ký mới, vào khai thác Bến xe phía Nam. Đồng thời, giao chủ đầu tư tự vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đăng ký vào hoạt động tại bến.
Hiện nay toàn bộ công trình nhiều hạng mục đã xuống cấp, các hệ thống cửa, ghế ngồi, quầy bán vé, tường phía bên trong bị hỏng, thấm dột, xuống cấp, bụi phủ kín mọi nơi… Cả nghìn mét vuông diện tích đất xung quanh công trình chính cỏ dại mọc cao hơn đầu người. Trong bãi đậu xe, chỉ có một số xe buýt trợ giá, xe container đỗ và một số doanh nghiệp thuê mặt bằng tập kết hàng hóa với vài nhân viên bảo vệ trông coi bến xe, hàng hóa.
Ông Phạm Lợi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng, xác nhận đơn vị đang quản lý giúp bến xe phía Nam. Theo ông Lợi, vì không có xe hoạt động nên bến xe phía Nam chỉ có 3 người chịu trách nhiệm trông coi ở đây.
Đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Đà Nẵng phân tích việc mở các tuyến xe ở phía nam sẽ gây ra 3 khó khăn: Xuất hiện thêm nhiều xe dù bến cóc và điểm đen tai nạn giữa 2 bến xe; giảm lợi nhuận doanh nghiệp do đi lại nhập nhèm và làm tăng chi phí hành khách khi phải đi xa thêm 10 km. Hơn nữa, cạnh bến xe Đức Long có bến xe Trung tâm ở phía bắc với công suất 1.500 xe xuất bến/ngày đêm, nhưng chỉ mới khai thác được khoảng 350 xe xuất bến/ngày đêm.
Về vấn đề thua lỗ tại bến xe phía Nam Đà Nẵng, trả lời báo tinnhanhchungkhoan.vn vào năm 2014, ông Phan Xuân Viên - Giám đốc bến xe Đức Long Đà Nẵng cho rằng TP Đà Nẵng đối xử giữa nhà đầu tư của TP Đà Nẵng với các nhà đầu tư của tỉnh khác đến đầu tư tại TP Đà Nẵng là chưa công tâm và không công bằng.
Với số tiền đầu tư hơn 130 tỷ đồng xây dựng bến xe rồi bỏ trống suốt gần 2 năm, mỗi ngày doanh nghiệp lỗ 20 triệu đồng lãi ngân hàng, tổng thiệt hại đến thời điềm này hơn 20 tỷ đồng. Thêm vào đó là hơn 30 lao động của công ty mất việc làm, công trình xuống cấp dẫn tới nguy cơ không thể thu hồi vốn đầu tư. Doanh nghiệp chúng tôi đã trót đặt niềm tin vào chủ trương kêu gọi của chính quyền giờ bị "ngã ngựa".
Ông Phan Xuân Viên - Giám đốc bến xe Đức Long Đà Nẵng cho biết
Theo ông Viên, điều quan trọng nhất là UBND TP Đà Nẵng đã không thực thực hiện đúng quy hoạch của thành phố là phân chia luồng tuyến vận tải khách hợp lý trên hai đầu bến xe Nam, Bắc. Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng đã không thực hiện đúng theo Quyết định số 524/QĐ-UB ngày 24/1/2005 do chính UBND TP Đà Nẵng ban hành, không đưa bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng ra phía Bắc quận Liên Chiểu để thành lập bến xe phía Bắc, không phân định tuyến xe phía Bắc, phía Nam theo đúng quy hoạch mà ngược lại UBND TP Đà Nẵng còn ban hành văn bản số 3748/UBND-QLĐTh giao đất cho Công ty vận tải và quản lý bến xe Trung tâm thành phố thuê đất 50 năm để tiếp tục kinh doanh dịch vụ bến xe này cho thấy sự khuất tất và không bình thường.
Theo đó, ông thấy rằng việc TP Đà Nẵng đối xử giữa nhà đầu tư của TP Đà Nẵng với các nhà đầu tư của tỉnh khác đến đầu tư tại TP Đà Nẵng là chưa công tâm và không công bằng.
Đại diện Đức Long Gia Lai cho biết mong muốn Bộ GTVT, chính quyền các cấp TP Đà Nẵng xem xét thực hiện dúng quy hoạch phát triển giao thông công chính TP Đà Nẵng theo Quyết định số 524/QĐ-UB ngày 24/1/2005 do chính UBND TP Đà Nẵng ban hành; đề nghị UBND TP Đà Nẵng phải xử lý dứt điểm công tác đền bù, giải tỏa các hộ dân ở phía trước bến xe để tạo nên sự thông thoáng mặt tiền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cũng như đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông khi ra vào bến.
Nếu những khó khăn trên không được chính quyền TP Đà Nẵng tháo gỡ kịp thời, Đức Long Gia Lai sẽ đề nghị chuyển giao Bến xe phía Nam cho UBND TP Đà Nẵng và xin được hoàn lại vốn mà doanh nghiệp đã đầu tư.
Bến xe thua lỗ không là gì so với tài chính bết bát của Đức Long Gia Lai
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG) được giới thiệu là một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với hơn 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, Tập đoàn có 5 công ty thành viên trụ sở đặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.
Ngoài những ngành nghề truyền thống như Sản xuất và chế biến gỗ, đá Granite, Kinh doanh Bến xe và Bãi đỗ, Dịch vụ khách sạn, resort, Khai thác và chế biến khoáng sản, Dịch vụ bảo vệ-vệ sĩ… Trong giai đoạn 2020-2025, Đức Long Gia Lai tập trung chủ lực vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Bất động sản, Cơ sở hạ tầng, Năng lượng, Sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử.
Năm 2003, Đức Long Gia Lai đã xây dựng bến xe xã hội hóa đầu tiên của nước ta - Bến xe Đức Long Gia Lai với diện tích hơn 20 nghìn m2. Đây được đánh giá là mô hình bến xe đạt tiêu chuẩn quốc tế với các tiêu chí: Hiện đại-Văn minh-An toàn. Người dân Gia Lai vẫn luôn tự hào là tỉnh có bến xe tư nhân đầu tiên và lớn nhất cả nước. Sau thành công của bến xe này, Đức Long Gia Lai tiếp tục xây dựng chuỗi các bến xe ở miền Trung và Tây Nguyên như: Bến xe Đà Nẵng, Bến xe Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đến nay, các bến xe đều đang được khai thác hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Ấy thế mà, kết quả kinh doanh của DLG liên tục trượt dốc, tiền hụt theo các khoản cho vay hàng nghìn tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty, dịch Covid 19 đã ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của công ty, một số ngành nghề kinh doanh tạm ngừng hoạt động, đặc biệt là doanh thu bán sản phẩm linh kiện điện tử của nhà máy tại Trung Quốc giảm mạnh. Đồng thời doanh thu tại 04 trạm thu phí BOT trên tuyến đường HCM giảm do giãn cách xã hội.
Doanh thu tài chính tăng do trong kỳ phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn góp tại các công ty con. Chi phí tài chính giảm do giảm dư nợ gốc vay và không phát sinh lỗ chuyển nhượng vốn góp. Chi phí bán hàng và chi phí QLDN tăng do tăng chi phí vận chuyển, chi phí dịch vụ mua ngoài…và trích lập nợ phải thu khó đòi tăng so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả năm 2021, DLG đạt 1.569 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 23% so với cùng kỳ, LNST đạt 14,5 tỷ đồng trong khi năm 2021 lỗ tới 928 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này giúp DLG tiếp tục ở lại sàn niêm yết do trước đó cả năm 2019 và 2020 doanh nghiệp này đã đều báo lỗ.
Đáng chú ý trước đó trong BCTC bán niên soát xét năm 2021, kiểm toán đã đưa ra ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của DLG. Các vấn đề mà kiểm toán nêu ra trong báo cáo đó vẫn chưa được khắc phục trong BCTC năm 2021.
Tính đến thời điểm 31/12/2021, DLG đang lỗ lũy kế 851 tỷ đồng, đồng thời các khoản nợ ngắn hạn khác đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn gần 273 tỷ đồng. DLG cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền là 2.410 tỷ đồng, các khoản cho vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ 3. Đây đa phần là các khoản đẩy về công ty thành viên.
Hồi đầu năm 2021, ban lãnh đạo Đức Long Gia Lai đã lên kế hoạch thoát lỗ bằng chiến lược tập trung vào năm mảng kinh doanh chiến lược là cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thuỷ điện), sản xuất điện tử, bất động sản, nông nghiệp. Công ty cũng thoái vốn các khoản đầu tư kém hiệu quả, kiểm soát chặt chi phí để đảm bảo nguồn thu theo kế hoạch. Các mảng kinh doanh truyền thống như bến xe, chế biến gỗ, khách sạn nhưng còn hiệu quả thì tiếp tục được duy trì.
Tổng nguồn vốn của DLG đạt trên 7.000 tỷ đồng, trong đó vốn hình thành từ nợ hơn 4.700 tỷ đồng. BIDV là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này với tổng dư nợ hơn 1.750 tỷ đồng.
Quý II/2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tiếp tục thua lỗ. Báo cáo quý II thể hiện, doanh thu Đức Long Gia Lai đạt 375,39 tỷ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ lên tới 309,22 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 10,92 tỷ đồng, tức giảm 320,14 tỷ đồng. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, DLG ghi nhận doanh thu đạt 723,33 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 297,51 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 23,4 tỷ đồng, tức giảm tới 320 tỷ đồng. Cổ phiếu DLG tính đến phiên ngày ngày 6/9 về mức giá 3.900 đồng/cổ phiếu, giảm 80% so với mức giá đỉnh của cổ phiếu này 10 năm trước.