Sớm công bố những ga có hoạt động liên vận đường sắt quốc tế
Hiện trên hệ thống đường sắt Việt Nam có 14 ga có nhu cầu vận tải liên vận quốc tế, trong đó có 7 ga đã công bố liên vận quốc tế, 7 ga chưa được công bố (Đông Anh, Kép, Sen Hồ, Kim Liên, Diêu Trì, Trảng Bom, Vật Cách).
Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030. Mục tiêu chính của phương án này là nhằm nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn vào năm 2021 lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030, trong đó, hàng đi tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Đồng Đăng đạt sản lượng 3 triệu tấn/năm; tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai là 1,5 triệu tấn/năm.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết cơ sở hạ tầng, năng lực kho bãi các ga hiện nay rất yếu, không đáp ứng được yêu cầu.
Mặt khác, hiện chỉ có các ga Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên, Hải Phòng có tổ chức thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (có hải quan) nên khi khối lượng tăng, lại tập trung ở ga Đồng Đăng, Yên Viên, dẫn đến ách tắc. Kho bãi ga của đường sắt không đủ tiêu chuẩn, phương tiện xếp dỡ hạn chế rất nhiều.
Các nhà ga, kho bãi là tài sản của Nhà nước đầu tư, trong khi chi phí duy tu bảo trì chỉ đáp ứng 30-40% lại tập trung vào kết cấu chạy tàu đảm bảo chạy tàu nên kinh phí đầu tư khác gần như là không có.
Theo Bộ GTVT, hiện nay vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu với Trung Quốc là Đồng Đăng và Lào Cai. Trong 5 năm qua (giai đoạn 2017 - 2021), tốc độ tăng trưởng về sản lượng vận tải hàng hóa vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2017 tăng 26%, năm 2021 tăng 31% so với năm 2020, đạt 1,13 triệu tấn, chiếm gần 20% tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt cả nước.
Tỷ trọng vận chuyển liên vận quốc tế giữa 2 cửa khẩu Đồng Đăng là Lào Cai bằng đường sắt là tương đương nhau, tuy nhiên, xu hướng vận chuyển về hướng Đồng Đăng đang tăng dần, hướng Lào Cai đang giảm dần.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, đến nay năng lực vận chuyển đường sắt còn hạn chế, bị giới hạn bởi cả năng lực thông qua của tuyến và năng lực của ga (hạn chế về diện tích bãi hàng, thiếu đường đón gửi, đường xếp dỡ trong ga); Năng lực của tuyến và ga không đồng bộ; Mạng lưới đường sắt quốc gia chưa thống nhất về khổ đường, quy mô đường ga chưa đáp ứng tổ chức tàu lớn, tốc độ khai thác hạn chế…
Trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất 2 giai đoạn đầu tư tăng năng lực kết cấu hạ tầng khu ga đường sắt. Theo đó, giai đoạn 2022-2025, Bộ GTVT đã cơ bản cân đối đủ vốn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng các ga liên vận quốc tế hiện có để tăng năng lực thông quan, xếp dỡ hàng container. Trong đó ưu tiên đầu tư các hạng mục gắn với hạ tầng ga hàng hóa (đón gửi tàu, xếp dỡ và thông quan) ở mức tối đa có thể theo hiện trạng quỹ đất.
Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục đầu tư xây dựng các ga liên vận quốc tế trên 2 hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây theo quy hoạch, ưu tiên các ga Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Bắc Hồng, Yên Viên, Trảng Bom. Được biết, giai đoạn 2022 - 2025, Bộ GTVT sẽ đầu tư, nâng cấp 7 ga phục vụ vận tải liên vận quốc tế gồm: Đồng Đăng, Lào Cai, Kép, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần với tổng mức đầu tư dự kiến 867 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ GTVT, vấn đề cần kíp nhất lúc này là công bố các ga có hoạt động liên vận đường sắt quốc tế tương tự công bố cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế. Hiện trên hệ thống đường sắt Việt Nam có 14 ga có nhu cầu vận tải liên vận quốc tế, trong đó có 7 ga đã công bố liên vận quốc tế, 7 ga chưa được công bố (Đông Anh, Kép, Sen Hồ, Kim Liên, Diêu Trì, Trảng Bom, Vật Cách).
“Nếu không được công bố ga liên vận quốc tế sẽ không đủ điều kiện mở chi nhánh hải quan tại các ga, làm hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, năng lực vận tải bằng đường sắt. Việc công bố ga liên vận quốc tế không gây thất thoát, lãng phí, nhưng mang lại lợi ích lớn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khai thác hiệu quả các ga đường sắt hiện có, giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, văn bản của Bộ GTVT nêu.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng từng đánh giá, vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á thời gian qua rất phát triển. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành đường sắt. Tuy nhiên, ông cho rằng, tổ chức vận tải vẫn tiếp cận theo hướng cũ như hiện nay thì không phát triển nên mô hình vận tải hàng hóa cần xem lại. VNR cần có kế hoạch, xây dựng các phương án về vận tải hàng khách trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là khi chạy lại.
Được biết, tại Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng mạng đường sắt Việt Nam kết nối xuyên Á, kết nối Á-Âu thông qua đường sắt Trung Quốc tại các ga cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lào Cai; kết nối với đường sắt ASEAN qua Lào (tại Mụ Giạ, Lao Bảo), qua Campuchia (tại Lộc Ninh).