Rủi ro khó lường từ "bến xe lạ" trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Liên quan tới việc hàng chục chiếc xe khách “mở bến” trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Chánh văn phòng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng hệ lụy từ việc này là hết sức khó lường.
Như Banduong.vn đã thông tin, tình trạng “bến xe lạ” xuất hiện trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã tồn tại nhiều tháng nay khi hàng chục xe khách thay nhau dừng, đỗ, đón trả, luân chuyển khách tại phía Bắc trạm thu phí Pháp Vân gây nên tình trạng hỗn loạn, mất an toàn giao thông và hàng loạt hệ luỵ khó lường.
Hụt thuế, phí Nhà nước
Trao đổi với PV Banduong.vn, ông Phan Thanh Uy - Chánh văn phòng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, xe hợp đồng trá hình phát triển tràn lan, không kiểm soát là một hình thức kinh doanh không đúng quy định, cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng với xe chạy tuyến cố định.
Ông Phan Thanh Uy chỉ rõ, việc cạnh tranh không bình đẳng giữa xe hợp đồng trá hình và xe tuyến cố định được thể hiện ở việc xe tuyến cố định phải vào bến, nộp phí dịch vụ ra vào bến, doanh thu phải nộp thuế theo quy định; thì xe hợp đồng trá hình hoạt động tự do không phải nộp dịch vụ bến xe và mức thuế khoán phải nộp rất thấp.
“Theo tính toán sơ bộ 1 xe 16 chỗ chạy 1 vòng từ Ninh Bình, Nam Định đi Hà Nội và ngược lại giá vé trung bình là 120 ngàn đồng/1 người/lượt. Bình quân cả đi và về có 20 hành khách thì một chuyến xe doanh thu là 2.400.000 đồng. Như vậy, 1 tháng doanh thu sẽ là 72.000.000 đồng, chưa kể có nhiều xe đi 2 vòng/1 ngày thậm chí có những xe Limousine còn chạy tới 3 vòng/1 ngày. Nếu doanh thu 1 tháng, với mức thuế VAT 8% thì thuế xe phải nộp gần 6.000.000 đồng. Nhưng thực chất các xe này đều nộp thuế khoán 1 tháng không đáng là bao”, ông Uy chia sẻ.
Xe biển trắng kinh doanh, thiệt thòi cho doanh nghiệp "làm đúng"
Trong các xe kinh doanh vận tải dừng đỗ, trao đổi khách phía Bắc trạm thu phí Pháp Vân, một số phương tiện chở khách liên tỉnh vẫn mang biển nền trắng. Điều này trái với Thông tư số 58/2020/TT-BCA Thông tư quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo đại diện một doanh nghiệp vận tải ở tỉnh Thái Nguyên, các đơn vị kinh doanh vận tải buộc phải đổi sang biển vàng. Không có một doanh nghiệp nào được sử dụng xe biển trắng để kinh doanh vận tải. Xe dùng biển trắng là một hình thức lách thuế. “Tất nhiên xe biển trắng thì họ không phải nộp thuế dù vẫn kinh doanh hành khách như xe biển vàng, hoặc thậm chí còn chạy nhiều vòng hơn trên cùng một tuyến”, vị này cho biết.
Thế nhưng, trong buổi sáng 28 và 29/11, tại “bến xe lạ” trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, PV không khó để nhận ra những xe nền trắng chở khách tham gia bến xe này. Cụ thể, PV ghi nhận xe khách BKS 29B-415.15 và các xe ghép BKS 17A-209.15, 30A-556.67, 30F-063.66 biển nền trắng, chữ số màu đen được sử dụng để vận chuyển hành khách.
Theo thông tin từ Hệ thống đăng kiểm, xe khách BKS 29B-415.15 chủ phương tiện là Công ty Cổ phần phát triển Quốc tế Nhật Việt JV JSC, có trụ sở tại số 27, ngõ 7, đường Nguyễn Khả Trạc, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chiếc xe sản xuất năm 2019, nhãn hiệu FORD, số người cho phép chở là 16.
Trong vai một hành khách muốn di chuyển từ TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình về Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), gọi theo số hotline của hãng xe Tuấn Việt, PV được giao dịch viên cho biết sẽ đón lúc 4h sáng (chuyến sớm nhất) sau đó đưa đến cổng Bệnh viện Mắt. Trong quá trình di chuyển sẽ dừng ở trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ để chuyển sang một xe khác.
Mất an toàn giao thông, cần phạt để siết
Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, mức phạt tiền đối với lỗi đón, trả khách trên đường cao tốc được tăng lên, cụ thể:
Đối với người lái xe ô tô chở người, chở khách và những xe tương tự ô tô chở khách sẽ bị phạt từ 10 triệu - 12 triệu đồng (trước đó là 5 triệu - 7 triệu đồng) với lỗi đón, trả khách trên đường cao tốc.
Đối với những đơn vị, công ty, doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh vận tải hoặc dịch vụ hỗ trợ vận tải mà sử dụng xe kinh doanh để thực hiện hành vi đón, trả khách khi xe đi trên đường cao tốc cũng sẽ bị phạt từ 10 triệu - 12 triệu đồng. Bên cạnh đó, lái xe sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng và doanh nghiệp bị tước phù hiệu kinh doanh vận tải từ 1 - 3 tháng.
Theo Chánh văn phòng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hầu hết các xe này dừng đỗ không đúng luật, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Trên thực tế, rất nhiều vụ tai nạn hay những tình huống nguy hiểm đã xảy ra khi các xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. Do đó, cần thực hiện những biện pháp mạnh tay để bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông, hành khách và cộng đồng.