Bến xe lạ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Khoảng 5 - 6h sáng hằng ngày, phía Bắc trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lại trở thành một bến xe khi có khoảng 50 xe TRANSIT loại 16 chỗ từ các tỉnh tấp nập dừng, đón, trả khách rồi đi các điểm khác nhau trên địa bàn Hà Nội.
Tiếp xúc với những hành khách di chuyển từ các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Hà Nam về Hà Nội, PV biết được nhiều tháng gần đây xuất hiện tình trạng hàng xe đỗ lại nhiều như ở bến sau khi qua trạm thu phí, rồi mở cửa, luân chuyển khách từ xe này sang xe khác.
Để xác minh vấn đề trên, ngày 28/11, PV Banduong trực tiếp có mặt tại Km188+250 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn qua địa phận xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Mục sở thị, những điều PV ghi nhận tại phía Bắc trạm thu phí hướng Ninh Bình – Hà Nội cho thấy, những phản ánh của hành khách các tỉnh là hoàn toàn có cơ sở.
Tại “bến xe lạ” trên cao tốc Pháp Vân, buổi đón trả khách diễn ra từ 5h kém đến 6h. Đơn cử như khoảng 4h50 sáng ngày 28/11, chiếc xe chở những hành khách đầu tiên bắt đầu vào bến. Các xe ô tô mang BKS 29B-620.73, 29B-415.15, 17F-001.19 dừng lại và nhanh chóng đưa khách từ xe này sang xe khác. Ít phút sau, hàng chục xe khách loại 16 chỗ cũng tụ hội. Sau đó, lái hoặc phụ xe hỏi hành khách, ai đi tuyến nào để điều sang xe phù hợp. Những câu hỏi: “Ai viện Nhi nhỉ?”,… xuất hiện ý rằng ai đi Bệnh viện Nhi thì sẽ sang xe khác để khởi hành.
Đến khoảng 5h50 cùng ngày, “bến xe” vắng dần và cũng tới lúc kết thúc. Trong vòng 1h ngắn ngủi, PV ước tính có khoảng 50 xe loại 16 chỗ thay nhau vào khu vực này để đón, trả khách. Đa số các xe mang biển số các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.
Ghi nhận của PV, hàng loạt xe BKS 29B-074.41, 29B-164.61, 29B-081.04, 17B-018.46, 17B-020.77, 29B-613.15, 29B-095.10, 29B-171.52, 90B-005.63, 18B-017.18, 17F-002.78, 90F-001.23, 17F-001.75, 29B-302.64, 35B-006.27, 29B-409.84, 17F-002.78, 17B-023.02, 90B-166.47, 29B-409.84, 17B-018.30, 90B-004.37, 29B-017.22, 30F-6014, 90B-004.37, 29B-185.64, 17F-000.95, 17B-021.71, 18B-021.08, 29B-310.21, 29B-314.12, 29B-312.57,… thay nhau dừng đỗ, ra vào bến xe này.
Sáng 29/11, thời điểm từ 4h40 đến 6h kém15, PV tiếp tục có mặt tại đây và ghi nhận hầu hết các xe khách của ngày hôm qua tiếp tục vào bến cùng một số phương tiện mới như 17B-021.63, 18B-024.26, 35B-012.34,... Cũng như buổi sáng ngày 28, tiếng phụ xe “Việt Đức lên xe anh Quân đi”,… văng vẳng thì hành khách đi Bệnh viện Việt Đức cũng rục rịch, được phụ xe chuyển hành lý, đưa sang xe khác có hành trình qua viện Việt Đức.
Anh D. (60 tuổi, làm nghề chạy xe ôm ở khu vực) cho hay, các xe này từ các tỉnh về thường tụ tập để sang khách đi các bến xe và các khu vực. Việc này luân chuyển khách xuất hiện sau dịch COVID-19 (khoảng tháng 4-5 – PV), chủ yếu là các xe loại FORD TRANSIT thực hiện, thi thoảng có một vài xe khách lớn.
“Đấy là nó đợi nó sang khách đấy, sang khách từ các xe về một điểm sẽ đi chung một xe. Bây giờ nó chạy hợp đồng, ai đi tới đâu là nó xếp, người đi Văn Điển có xe Văn Điển, người đi Hà Đông có xe Hà Đông, Cầu Giấy thì có xe Cầu Giấy, bắt buộc nó phải sang. Xe đi Giáp Bát là nó chuyển đi Giáp Bát thôi”, anh D. nói.
Một hành khách đi xe khách BKS 35B-006.27 thổ lộ, anh đưa con đi khám ở một bệnh viện, khi tới đây thì được chuyển sang xe khách BKS 29B-409.84 để đi theo tuyến.
Ông P.X.T. (SN 1972, trú tại tỉnh Nam Định – hành khách) cho biết, thời gian gần đây ông T. lên Bệnh viện K Tân Triều khám bệnh, đây là lần thứ 2 trong tháng. Cứ tới đây là sẽ được chuyển lên một xe khác chạy tới viện.
Trao đổi với PV Tạp chí Vận tải ô tô về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Hoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, việc luân chuyển khách cho nhau là không được phép, sai với quy định hiện hành. Các xe này lợi dụng chỗ trống rộng phía Bắc trạm thu phí Pháp Vân để dừng lại, chuyển khách cho nhau. Mục đích là đi theo từng hướng, không phải trả khách tại nhà vì đây là xe nhận khách tại nhà và đưa trả khách đến nơi khách cần đến.
“Xe này là xe cấp phù hiệu, xe hợp đồng. Nhưng xe hợp đồng theo quy định chỉ được hợp đồng với 1 người đại diện hợp đồng. Còn đây họ đón khách từng gia đình, không có hợp đồng gì cả. Theo quy định xe hợp đồng phải cung cấp thông tin tối thiểu về hợp đồng đến sở GTVT, kể cả việc cung cấp thông tin danh sách hành khách nhưng không xe nào làm việc này”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam nói.
Trong những năm qua, tình trạng xe chạy hợp đồng, xe cá nhân không đăng ký kinh doanh theo quy định hoạt động trá hình đón, trả khách sai quy định. Việc chạy hợp đồng trá hình đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Đáng nói, loại hình này xuất hiện trên địa bàn cả nước chứ không riêng tại từng địa phương nào.
Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị có giải pháp quản lý đối với xe khách hoạt động trái quy định; tháo gỡ khó khăn trong vận tải hành khách tuyến cố định và bến xe khách trong đó có đề cập tới việc các xe hợp đồng trá hình. Văn bản chỉ rõ: “Tình hình trên đã tồn tại từ lâu nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn nên một số xe tuyến cố định cũng bỏ bến xe, ra ngoài "chạy dù" tại các "bến cóc" trên địa bàn các thành phố, gây mất trật tự an toàn giao thông và đặc biệt là tạo thế cạnh tranh không bình đẳng.”
Tuy nhiên, thực trạng xe khách trá hình với các bến bãi tự phát vẫn đang phổ biến và diễn ra hằng ngày tại các tỉnh thành. Trên cao tốc Pháp Vân, không chỉ những xe tải, container mà vị trí các xe khách này dừng đỗ thực hiện luân chuyển khách còn nằm trong làn đường xe chạy cao tốc, gây nên tình trạng mất an toàn giao thông.