Rà soát lại vốn làm cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng
UBND tỉnh Thái Bình đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tách đoạn qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập và giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản, triển khai theo hình thức đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình về một số dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) trên địa bàn tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đóng vai trò trọng tâm của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.
Tỉnh cũng đã đề xuất đoạn qua tỉnh Ninh Bình lập thành một dự án độc lập, theo hình thức đầu tư công. Đoạn trên địa bàn tỉnh Nam Định, Thái Bình đầu tư xây dựng 62km theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 19m, vận tốc khai thác 100km/h. Đề nghị Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương thực hiện dự án đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, cần có sự quyết tâm của tất cả các cơ quan, đơn vị để đưa ra được phương án phù hợp triển khai Dự án Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình.
Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án và tránh phá vỡ hiện trạng, đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục rà soát lại tổng mức đầu tư dự án, thẩm định chặt chẽ. Đơn vị tư vấn cần tính toán thật sát để đưa tổng mức đầu tư xuống thấp, thời gian hoàn vốn ngắn lại.
Bộ GTVT luôn ưu tiên, ủng hộ các địa phương nói chung và Thái Bình nói riêng phát triển nhanh hạ tầng giao thông, khơi thông nút nghẽn để phát triển KT-XH được nhanh chóng, thuận tiện. Đồng thời, Bộ GTVT giao các cơ quan tham mưu tạo mọi điều kiện, ủng hộ tối đa để Thái Bình có thể thuận lợi phát triển kết cấu hạ tầng GTVT.
Được biết, tỉnh Thái Bình đã có báo cáo số 134 ngày 15/12/2022, đề xuất phương án đầu tư toàn tuyến với quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường 19m, vận tốc khai thác tối đa 100 km/h, công tác GPMB được thực hiện với bề rộng 24,75m. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 22.100 tỷ đồng (không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), tính cả lãi vay là 23.285 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản vốn BOT đầu tư đoạn tuyến Nam Định - Thái Bình khoảng hơn 8.209 tỷ đồng, thấp hơn gần 3.574 tỷ đồng so với vốn BOT dự án Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, trong khi thời gian hoàn vốn dự án PPP không thay đổi. Do đó, UBND tỉnh Thái Bình đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tách đoạn qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập và giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản, triển khai theo hình thức đầu tư công.