Phà ra đảo Cát Bà hoạt động trở lại
Sau nhiều giờ dừng phục vụ để đảm bảo an toàn trong bão số 3, từ 12 giờ trưa nay (9/9), phà Đồng Bài – Cái Viềng nối đảo Cát Bà với đảo Cát Hải của Hải Phòng đã chính thức hoạt động trở lại.
Thông tin với PV Banduong.vn, Trưởng Bến phà Đồng Bài - Cái Viềng Vũ Mạnh Trung xác nhận, tuyến phà nối đảo Cát Hải với đảo Cát Bà (cùng huyện Cát Hải) đã chính thức hoạt động trở lại bắt đầu từ 12 trưa nay 9/9.
Theo đó, đơn vị huy động 2 phà lớn đưa khách từ bến Đồng Bài của đảo Cát Hải sang bến Đồng Bài của đảo Cát Bà và ngược lại. Tiếp theo, căn cứ nhu cầu của người dân và du khách, đơn vị sẽ huy động thêm các phà khác vào phục vụ.
Cũng theo ông Trung, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, thời tiết ngoài biển còn xấu, và do nhu cầu đi lại của bà con sau bão còn hạn chế nên ngày hôm nay, bến phà chỉ phục vụ đến 17 giờ 30 phút để đảm bảo an toàn. Sau đó, tùy thuộc tình hình thời tiết, nếu đảm bảo điều kiện chạy an toàn, phà sẽ tiếp tục hoạt động từ 5 giờ 30 sáng mai theo lịch chạy phà cố định.
Để hỗ trợ bà con, ngày 9/9, 100% người dân, du khách được miễn phí vé đi phà.
Hiện nay, do hứng chịu nặng từ bão số 3 Yagi, hậu quả của bão vẫn chưa được khắc phục xong. Người dân một số khu vực của đảo vẫn trong cảnh không có điện, nước và sóng viễn thông. Đáng nói, hơn 100 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh của Quần đảo Cát Bà bị tàn phá, nhiều cơ sở bị mất trắng. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, Do đảo bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày về hệ thống thông tin liên lạc nên chưa thể có thống kê đầy đủ và chính xác.
Được biết, trước đó, để tránh thiệt hại, bảo đảm an toàn về người, phương tiện, ngành đường sắt Việt Nam đã bãi bỏ hàng loạt chuyến tàu khách. Trong đó, hủy toàn bộ 8 tàu chuyến khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng trong ngày 7/9 và 2 chuyến tàu khách trong ngày 8/9. Ngoài ra, toàn bộ tuyến tàu chở hàng tuyến Hà Nội - Hải Phòng cũng tạm dừng hoạt động.
Đồng thời, ngành đường sắt đã yêu cầu các đơn vị chủ động kiểm tra các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn, gia cố bảo đảm an toàn; thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác tại các vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm. Bố trí cán bộ trực chốt tại hiện trường 24/24 giờ để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra...