Ô tô Trung Quốc chật vật tìm chỗ đứng ở thị trường Việt
Không thể bán tại Việt Nam một cách đại trà như kỳ vọng, mẫu ô tô Trung Quốc - Dongfeng T5 Evo đang được nhà phân phối "đại hạ giá" những chiếc xe cuối cùng với mức giảm lên tới 250 triệu đồng.
Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2016, đến năm 2019, hãng Dong Feng quyết định mở rộng thị trường với hàng loạt showroom mới ở TP HCM, TP Cần Thơ và tỉnh Bình Dương. Các showroom này kinh doanh 6 mẫu xe thuộc đủ phân khúc từ sedan, MPV đến SUV, từ 5 chỗ đến 7 chỗ.
Tuy nhiên, việc kinh doanh xe Dong Feng nói riêng và xe Trung Quốc nói chung tại Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn, đại lý và hãng xe đều không đạt hiệu quả kinh doanh, dẫn đến nhận diện thương hiệu trên thị trường rất kém.
Trước khi ngừng kinh doanh tại Việt Nam, chiếc Dongfeng T5 Evo cuối cùng được "dọn kho" với mức giá 469 triệu đồng. Đây là mức giảm giá khá hấp dẫn khi so sánh với giá niêm yết ban đầu, chiếc xe này rẻ hơn tới 250 triệu đồng. Đáng chú ý, với mức giá "cắt lỗ" 469 triệu đồng, mẫu SUV cỡ C này còn rẻ hơn những mẫu sedan hạng B đang có mặt trên thị trường Việt Nam như Toyota Vios (479 - 592 triệu đồng) hay Honda City (529 - 599 triệu đồng).
Ông Trần Ngọc Phúc, nguyên Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xuất nhập khẩu SUTONG - một trong những doanh nghiệp phân phối xe Dong Feng ở thị trường Việt Nam, chỉ rõ lý do khiến hãng xe Trung Quốc này phải rút khỏi thị trường Việt Nam là bởi định giá quá cao, có mẫu lên đến 899 triệu đồng/chiếc. Cùng mức giá này, có rất nhiều mẫu xe uy tín của Nhật, Hàn để khách ưu tiên lựa chọn.
"Định giá cao nhưng kiểu dáng của các mẫu ôtô Trung Quốc không đẹp, không được trang bị nhiều công nghệ nên tính cạnh tranh không cao. Thời điểm hãng Dong Feng mở rộng thị trường ở Việt Nam cũng là lúc dịch COVID-19 xuất hiện khiến các showroom phải chật vật cầm cự. Chưa kể, xe điện đang trở thành xu thế, xe xăng giảm dần sức hấp dẫn nên hãng xe không còn mặn mà phát triển thị trường cho xe chạy xăng" - ông Phúc lý giải.
Không nhìn được "bài học" từ người đi trước, mới đây, hàng loạt các hãng xe Trung Quốc lại tiếp tục thâm nhập vào thị trường Việt, để tìm cơ hội. Điền hình như, SGMW và TMT Motors vừa ký kết hợp tác sản xuất ô tô tại Việt Nam. Theo đó, TMT Motors được độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam, trong đó có Wuling Mini EV. Như vậy, rất có thể trong thời gian tới, người dùng Việt sẽ có thêm nhiều cơ hội sở hữu xe điện với mức giá “rẻ đến không ngờ”.
Công ty CarVivu của Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác để trở thành nhà nhập khẩu và phân phối các dòng xe du lịch Haima. Các dòng xe Haima chưa được công bố lắp ráp tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu nguyên chiếc đơn thuần. Dự kiến sẽ có 3 mẫu xe được bán chính thức gồm: 8S, 7X và 7X-E. Trong đó, 8S và 7X là các SUV và MPV của Haima trong khi 7X-E là biến thể thuần điện của 7X. Tất cả các sản phẩm của Haima sẽ được bán thông qua hai showrom tại Hà Nội, và một showroom ở TP HCM. Tuy vậy thời gian showroom hoạt động, chính sách hậu mãi, bảo hành chưa được tiết lộ. Trước đó vào năm 2011, Haima cùng đã từng được nhập khẩu vào Việt Nam bởi một công ty có trụ sở tại Hải Phòng.
Đầu năm 2022, Chủ tịch Great Wall Motor (GWM) cũng đã thông báo dự định triển khai sản xuất và bán hàng tại một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, thông qua thương hiệu Haval. Tuy nhiên, chưa có nhiều thông tin về GWM tại Việt Nam nhưng các mẫu xe của hãng này liên tục thông báo đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam.
Trong làn sóng xe Trung, một cái tên cũng không mấy xa lạ đó là Chery Automotive - hãng xe hơi thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. Từng xuất hiện tại Việt Nam hồi 2009 thông qua hợp tác với Liên doanh ôtô Hòa Bình (VMC). Sản phẩm đầu tiên, chiếc QQ3 lắp ráp trong nước giá 9.900 USD. Một năm sau, hãng ra mắt chiếc xe định vị "cao cấp" Riich M1 giá 288 triệu đồng. Sự biến mất của Chery nằm trong sự thoái trào chung của xe hơi Trung Quốc tại Việt Nam khi các đối thủ Nhật, Hàn, Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng.
Chery quay lại Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng và bán hai thương hiệu con là Omoda và Jaecoo. Dự kiến hai mẫu Omoda 5 và Jaecoo 7 lần lượt ở hai phân khúc CUV cỡ B và B+ sẽ có mặt trên thị trường vào cuối 2023.
“Ngoài xe nhập khẩu, chúng tôi cũng có kế hoạch lắp ráp ô tô tại Việt Nam, mọi thứ đang trong quá trình hoàn thiện. Xe lắp ráp trong nước sẽ được bán tại Việt Nam sớm nhất là cuối năm 2024”, ông Tocy Tang - đại diện của Chery Việt Nam từng cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn mà các hãng xe phải đối mặt khi “thâm nhập” thị trường Việt đó là tháo gỡ nút thắt về hệ thống phân phối và tâm lý của người tiêu dùng. Thứ nhất, trong suốt khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay, các hãng xe đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc luôn chiếm đa số thị phần trên tất cả các phân khúc xe hơi. Theo báo cáo của VAMA, năm 2022, Toyota tiếp tục giữ vị trí quán quân với 22% thị phần, Hyundai (17%), Kia (15%), Mitsubishi (10%), Mazda (9%), Honda (7%), Ford (7%), 13% còn lại bao gồm tất cả các thương hiệu khác, trong đó chỉ có một phần nhỏ là xe thương hiệu Trung Quốc.
Ngoài ra, một nguyên nhân dẫn tới việc những chiếc "xe Tàu" không có chỗ đứng tại thị trường Việt bởi một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn luôn quan niệm, hàng hóa, sản phẩm từ Trung Quốc có hai loại: một bên là hàng Trung Quốc nội địa có chất lượng vượt trội nhưng chủ yếu phục vụ thị trường đại lục, giá cao; một bên là hàng trôi nổi bán cho các nước thứ ba, giá rẻ nhưng chất lượng thấp.
Đặc biệt, với chiếc ô tô là một tài sản giá trị lớn, yêu cầu của người dùng cũng sẽ khắt khe hơn. Nếu lựa chọn một chiếc xe bền bỉ, sang trọng, đẳng cấp thì xe của Đức sẽ được nhiều người tin dùng. Nếu lựa chọn dòng xe phổ thông để phục vụ đi lại hàng ngày, kinh doanh vận tải thì những phân khúc xe hạng A, hạng B của Nhật, Hàn sẽ là lựa chọn của số đông. Điều này nhiều năm nay đã hẳn sâu trong tâm trí của người tiêu dùng Việt và khó để thay đổi.
Mặt khác, chất lượng sản phẩm có tương đương hoặc có gì vượt trội so với các mẫu xe phổ thông hay không, nếu xe bị hỏng hóc thì sửa chữa ở đâu, có tiện lợi không?... Những điều này đã khiến cho những chiếc xe Trung quốc tại thị trường Việt Nam không thể tìm được chỗ đứng.