Cảnh báo tai nạn giao thông khi học sinh đi nhiều xe điện
Dễ sử dụng và không cần bằng lái nên đa phần học sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh và rất nhiều địa phương sử dụng xe máy, xe đạp điện đến trường. Nhưng vì lý do khách quan và chủ quan, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến loại xe này gia tăng bất ngờ.
Những năm gần đây, xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện được các gia đình lựa chọn trang bị cho con em đi học. Bởi vì loại phương tiện này khá nhỏ gọn, không cần bằng lái và khá dễ điều khiển, lại di chuyển nhanh hơn xe đẹp truyền thống, nhất là lúc thời tiết không thuận lợi, các em học sinh cũng ưa thích.
Khi sắm cho học sinh xe máy điện thì phụ huynh cũng sẽ không phải tốn thêm thời gian đưa các em đi học. Thế nhưng, dạo quanh các trường học từ nông thôn cho tới thành thị, không khó để bắt gặp các em học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm. Trong khi, nhiều học sinh còn chạy xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường. Những người tham gia giao thông trên cùng tuyến đường nếu không quan sát và xử lý kịp thời thì có thể xảy ra tai nạn giao thông bất cứ khi nào.
Thực tế cho thấy, hầu hết các phụ huynh khi mua xe cho con, thường chỉ hướng dẫn các thao tác cơ bản để điều khiển, không quan tâm nhiều đến việc trang bị kiến thức về giao thông, xử lý tình huống,...Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho thấy, thời gian gần đây, đơn vị này liên tiếp tiếp nhận trẻ bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông. Điểm chung của các trường hợp này là trẻ điều khiển xe máy, xe đạp điện va chạm với các phương tiện khác.
Mới đây, P.T.Y.N. và P.T.T. (trú huyện Nghi Lộc) là 2 chị em ruột, bị tai nạn do điều khiển xe đạp điện va chạm với xe máy đi cùng chiều. Hai bé được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng xây xát vùng mặt, chân, tay. Sau khi được băng cầm máu vết thương, 2 chị em được chuyển khoa chấn thương tiếp tục điều trị 10 ngày thì được ra viện.
Một trường hợp khác bị tai nạn nặng hơn trong lúc điều khiển xe đạp điện là em V.M.Đ. (12 tuổi, trú huyện Quỳ Hợp). Ngày 25/4/2023, bé Đ. va chạm với ô tô đi ngược chiều. Đ. cấp cứu trong tình trạng li bì, khó thở, nôn nhiều, tay phải tê bì, giảm vận động, vết thương vùng cổ chảy máu nhiều. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy có hình ảnh tụ khí nội sọ vùng quanh cầu não, tổn thương đốt sống cổ C2-C6, tràn khí phần mềm trước cột sống.
Sau khi được hội chẩn liên chuyên khoa hồi sức, ngoại khoa, răng - hàm - mặt, bệnh nhi được cố định cột sống cổ, thở oxy hỗ trợ, băng vết thương cầm máu, điều trị ổn định huyết động. Sau khi cấp cứu ổn định, cháu Đ. được chuyển về khoa hồi sức ngoại tiếp tục điều trị.
Tiến sĩ Trần Văn Cương - Trưởng khoa Cấp cứu, Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay, đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông có liên quan xe đạp, máy điện ở trẻ em ở lứa tuổi học đường.
"Xe đạp, máy điện là phương tiện được nhiều gia đình mua cho con em mình để tiện đi học, do loại phương tiện này không cần bằng lái xe, học sinh cấp 3 đi được. Tuy nhiên, một số em thiếu ý thức, thiếu hiểu biết khi tham gia giao thông bằng phương tiện này có thể gây ra tình trạng mất an toàn cho bản thân và cộng đồng", TS Cương nhận xét.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, có đến 90% số vụ TNGT liên quan đến học sinh ở độ tuổi từ 16 - dưới 18. Hiện có trên 50% học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện. Do đây là phương tiện không yêu cầu bằng lái nên điều này cũng đồng nghĩa có nhiều em chưa được trang bị đầy đủ kỷ năng lái xe cũng như kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Đặc biệt, đáng lo ngại khi không ít phụ huynh cho rằng đi xe đạp điện, xe máy điện an toàn hơn so với xe gắn máy. Với vận tốc tối đa 40 - 50km/h, mức đô nguy hiểm của xe máy và xe đạp điện là như nhau. Một phần, xe đạp điện và xe máy điện gần như không phát ra tiếng động nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng lo ngại đó chính là tính cách của người điều khiển phương tiện. Các chuyên gia giao thông nhận định, do đang trong độ tuổi trưởng thành, muốn thể hiện bản thân nên không ít học sinh khi đi xe đạp điện xe máy điện thường có hành vi lạng lách, đánh võng trên đường. Đây chính là biểu hiện rõ nhất về ý thức tham gia giao thông của lứa tuổi này còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Các chuyên gia giao thông nhận định, công tác tuyên truyền giáo dục vẫn là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất. Do đó, thực trạng này cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, ban ngành chức năng và toàn xã hội. Tất nhiên, điều quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ ý thức của mỗi người tham gia giao thông. Do đó, tai nạn giao thông liên quan xe đạp điện, xe máy điện hoàn toàn có thể kiểm soát, phòng tránh được nếu các em học sinh tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm túc quy định về tốc độ, đội mũ bảo hiểm và quy tắc về giao thông.