Nghiên cứu hình thức trả sau đối với thu phí không dừng
Hiện các đơn vị dịch vụ ETC phải thu của chủ xe và trả tiền cho nhà đầu tư dự án BOT mỗi ngày. Trường hợp chủ xe trả tiền sau, thậm chí chây ì sẽ ảnh hưởng việc thu hồi vốn của nhà đầu tư.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đang nghiên cứu bổ sung quy định đối với ô tô sử dụng dịch vụ ETC và chế tài xử phạt với phương tiện không trả tiền phí vào ngày 19/8. Tuy nhiên, vấn đề này cần sự đồng thuận của các cơ quan liên quan như ngân hàng, chủ đầu tư dự án BOT, đơn vị thu phí.
Hiện các đơn vị dịch vụ ETC phải thu của chủ xe và trả tiền cho nhà đầu tư dự án BOT mỗi ngày. Trường hợp chủ xe trả tiền sau, thậm chí chây ì sẽ ảnh hưởng việc thu hồi vốn của nhà đầu tư.
Mặt khác, Tổng cục Đường bộ sẽ có quy định về trách nhiệm của chủ xe, đơn vị dịch vụ ETC về việc dán thẻ và mở tài khoản hai lần trên một phương tiện, bởi có nhiều xe đang dán chồng hai thẻ gây lỗi khi qua trạm BOT.
Sau hơn 3 tuần thực hiện thu phí không dừng trên 10 tuyến cao tốc, Tổng cục Đường bộ ghi nhận có hai nhóm lỗi phát sinh tại trạm thu phí. Đó là nhóm lỗi chủ quan của chủ phương tiện như chưa dán thẻ trước khi vào tuyến, không có hoặc không đủ số dư trong tài khoản.
Thậm chí, nhiều chủ xe chưa nắm được chủ trương về thu phí không dừng toàn bộ trên các tuyến cao tốc nên đến trạm thu phí mới dán thẻ, nên tài khoản chưa được kích hoạt kịp thời. Chưa kể, chủ phương tiện không kiểm tra số dư tài khoản giao thông trước khi vào cao tốc, khi đến trạm thu phí mới nạp tiền nên có trường hợp tiền chưa kịp về tài khoản.
Ngoài ra, lỗi chủ quan của hệ thống thu phí phần lớn là do hệ thống thiết bị tại trạm không đọc được thẻ vì nhiều chủ phương tiện dán thẻ đã lâu nhưng chưa sử dụng dịch vụ nên bị hỏng, thẻ bị dán sai quy cách.
Theo Công ty Thu phí tự động VETC, từ ngày 6/8, xe đi vào 4 tuyến cao tốc không bắt buộc có tiền trong tài khoản nên lượng xe đến đầu ra thiếu tiền tăng gấp 5 lần so với các ngày trước, khiến nhiều xe bị ùn tại đầu ra.
Trong 15 ngày, với tổng số gần 720.000 xe đi cao tốc Long Thành - Dầu Giây, có hơn 9.000 xe tài khoản không đủ tiền, phải xử lý sự cố hơn 16.000 xe.
Sở dĩ hiện nay chưa thực hiện được hình thức thanh toán trả sau đối với dịch vụ thu phí khôn dừng bởi 2 vướng mắc. Đầu tiên là quy trình thanh toán giữa nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT và ngân hàng. Sau khi nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thu được tiền trong ngày phải chuyển tiền cho nhà đầu tư BOT.
Tiếp đó, nhà đầu tư BOT chuyển cho ngân hàng để trả nợ. Nếu chuyển sang trả sau, thông thường chu kỳ mất 30 ngày mới thanh toán. Việc chậm chu kỳ thanh toán sẽ phải đàm phán lại tất cả các hợp đồng cung cấp tín dụng cho dự án.
Về mặt kỹ thuật, hệ thống thu phí không dừng hiện nay đã đáp ứng được cho việc trả sau, nhưng đang vướng mắc về hành lang pháp lý.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết Tổng cục Đường bộ đang phối hợp rà soát lại hành lang pháp lý cho thanh toán trả sau. Tổng cục cũng đang nghiên cứu phương án kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, khi chủ phương tiện không thanh toán sẽ khóa các dịch vụ công liên quan đến số định danh cá nhân đó.