Ngành dầu khí đi nhiều hướng về năm 2023
Các chuyên gia cho rằng, lãi suất tăng cao sẽ có tác động nhiều chiều đến doanh nghiệp nhóm ngành dầu khí. Trong đó, hướng tác động tiêu cực sẽ nhắm tới các đơn vị có đòn bảy tài chính cao.
Doanh nghiệp phân phối xăng dầu sẽ dần khoẻ lại
Nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể sẽ giảm tốc do những trở ngại đến từ đồng USD mạnh hơn, chính sách zero-COVID của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1,5% so với cùng kỳ đạt mức trung bình 101,04 triệu thùng/ngày cho cả năm 2023 (so với mức tăng 2,2% so với cùng kỳ trong năm 2022). Tuy nhiên, ít có khả năng thị trường rơi vào tình trạng dư cung do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ chậm lại có thể được xoa dịu bởi những động thái từ phía nguồn cung (đặc biệt là từ OPEC+), hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao trong năm tới. Kỳ vọng giá dầu Brent trung bình sẽ đạt khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới do nguồn cung vẫn đang bị thắt chặt. Trong những diễn biến mới nhất, nhóm OPEC+ đã quyết định sẽ cắt giảm sản lượng dầu tháng 11 ở mức 2 triệu thùng/ngày so với tháng 10, tương đương 2% tổng nguồn cung dầu thế giới.
Đặc biệt, trong bối cảnh lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu và áp giá trần với dầu mỏ của Nga sẽ có hiệu lực kể từ tháng 12 tới, nhóm nghiên cứu cho rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ sẽ có xu hướng tiếp tục kéo dài, từ đó đẩy giá dầu thô tăng. Giá dầu nhiều khả năng sẽ duy trì quanh mức 90 USD/thùng trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Luật Dầu khí sửa đổi được thông qua vào tháng 11/2022 sẽ là khung pháp lý tổng quát cho ngành dầu khí, giảm bớt sự chồng chéo giữa các luật trong hoạt động dầu khí và đặc biệt sẽ sẽ tạo hành lang pháp lý mới giúp thu hút đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn.
Đối với nhóm trung nguồn, các doanh nghiệp vận tải dầu khí sẽ hưởng lợi theo đà tăng giá cước, trong khi ở nhóm hạ nguồn, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu sẽ có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023.
Năm 2022 nhìn lại là một năm đầy thách thức đối với các doanh nghiệp phân phối xăng dầu do thị trường trong nước có nhiều bất ổn. Nhà máy lọc dầu (NMLD) Nghi Sơn hoạt động dưới công suất trong nửa đầu năm và việc chậm điều chỉnh các chi phí cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã khiến các nhà phân phối gặp rất nhiều khó khăn, khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.
Do đó, các doanh nghiệp phân phối lớn như Petrolimex (PLX), PVOIL (OIL) phải tăng nguồn hàng nhập khẩu để đảm bảo xăng dầu cho thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới diễn biến không thuận lợi và chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của công ty.
Cụ thể năm 2023, dự báo các doanh nghiệp phân phối xăng dầu sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp của năm 2022 nhờ một số lý do. Thứ nhất, giá dầu thế giới dự kiến sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022, giúp giảm thiểu rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho.
Thứ hai, Chính phủ đã ban hành cơ chế để PVN xử lý vấn đề tài chính đối với Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây sẽ là tiền đề để Nghi Sơn hoạt động ổn định trong những năm tới, giúp tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa và giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối.
Tiếp theo, các chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tăng trong tháng 10 và 11. Sự điều chỉnh này sẽ phản ánh sát hơn diễn biến thị trường, giảm bớt áp lực cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Thứ tư, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép là 5,5% trong giai đoạn 2022 - 2030, là cơ sở để các doanh nghiệp phân phối tăng trưởng trong những năm tới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phân phối lớn như PLX, OIL có thể có thêm được thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác, vốn có khả năng sẽ bị loại khỏi thị trường sau một năm 2022 đầy khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, crack spread (chênh lệch giữa giá một thùng dầu thô và sản phẩm xăng dầu chế biến từ thùng dầu thô) các sản phẩm lọc dầu, đặc biệt là crack spread dầu diesel đã tăng rất mạnh trên toàn cầu kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2 do lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung ở châu Âu khi người mua tránh nguồn cung đến từ Nga do các lệnh trừng phạt; các NMLD ngừng hoạt động ở Mỹ và châu Âu, và hoạt động với công suất thấp tại Trung Quốc, và sự gia tăng hoạt động vận tải đường bộ, kéo theo nhu cầu nhiên liệu gia tăng.
Mặc dù crack spread xăng đã giảm đáng kể kể từ tháng 7/2022, crack spread diesel vẫn duy trì ở mức rất cao nhờ vào tính đa dụng của nó như làm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải và đặc biệt là làm nguồn nhiên liệu cho máy phát điện diesel (thay thế cho điện khí). Điều này đã mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho các NMLD như Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) với mức lãi kỷ lục trong 9 tháng đầu năm.
Biên lợi nhuận doanh nghiệp lọc dầu sẽ giảm
Năm 2023, biên lợi nhuận lọc dầu sẽ giảm nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức cao so với trước khủng hoảng Nga - Ukraine do nhu cầu phục hồi sau đại dịch; thị trường dầu thô và xăng dầu thành phẩm tiếp tục thắt chặt do cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine kéo dài, đặc biệt là ở châu Âu và việc cắt giảm phát thải carbon sẽ làm hạn chế sự gia tăng công suất lọc dầu trong dài hạn.
Mặc dù mặt bằng crack spread cao vẫn sẽ là tín hiệu tốt cho các NMLD trong những năm tới, nhưng lợi nhuận ròng của các NMLD có thể sẽ giảm đáng kể trong năm 2023 từ mức cao kỷ lục của năm 2022.
Công ty chứng khoán cũng lưu ý, lãi suất cao hơn sẽ có tác động trái chiều đến các doanh nghiệp dầu khí trong thời gian tới, điều này phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có số dư tiền mặt ròng dồi dào và hệ số nợ/VCSH thấp như PVS, OIL, môi trường lãi suất tăng có thể sẽ mang lại lợi ích trong ngắn hạn, hỗ trợ cho kết quả kinh doanh.
Một số doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy cao (như PVD, PVT và PVC) sẽ gặp khó khăn khi lãi suất tăng. Đặc biệt, PVD sẽ chịu áp lực lớn từ lãi suất tăng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi phục hồi chậm.
Về rủi ro tỷ giá, hầu hết các sản phẩm của các doanh nghiệp dầu khí đều được tính theo đồng USD, doanh thu của các doanh nghiệp này sẽ tăng cùng chiều với đồng USD. Điều này có thể bù đắp cho các khoản lỗ tỷ giá do đánh giá lại khoản vay nợ bằng USD cho vốn lưu động. Do đó, có rất ít rủi ro cho việc đồng USD tăng giá đối với các doanh nghiệp như GAS, PVS và BSR.
Bên canh đó, một số doanh nghiệp hạ nguồn như PLX, OIL sẽ đối mặt với rủi ro từ việc đồng USD mạnh lên do giá xăng dầu đầu vào được neo theo đồng USD trong khi giá bán sản phẩm tính theo đồng VND. Bên cạnh đó, các công ty có tỷ trọng nợ vay USD cao như PVD và PVT sẽ gặp rủi ro lỗ tỷ giá cao hơn các doanh nghiệp khác khi đồng USD tăng giá.