Nâng mức cảnh báo về lạm phát
Việt Nam đã có một khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022 với GDP quý I/2022 tăng vững vàng ở mức 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, HSBC vẫn điều chỉnh dự báo lạm phát lên 3,7% trong năm 2022.
Báo cáo vừa phát hành của HSBC cho rằng Việt Nam sẽ lấy lại mức tăng trưởng ổn định 6,2% trong năm 2022 nhưng vẫn có khả năng đối mặt với mức lạm phát cao hơn ở mức 3,7%.
Nền kinh tế đã có một khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022 với GDP quý I/2022 tăng vững vàng ở mức 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đà phục hồi trở nên ổn định nhờ các trụ cột tăng trưởng bên trong và bên ngoài.
Cụ thể, nền kinh tế không chỉ hưởng lợi từ chu kỳ công nghệ được kéo dài, các ngành trọng điểm khác cũng có kết quả rất tốt. Thêm nữa, tiêu dùng cá nhân tiếp tục phục hồi dù còn chậm.
Báo cáo của HSBC cũng cho biết: "Điều đáng khích lệ là Việt Nam đã gia nhập đội ngũ các nước mở cửa biên giới từ giữa tháng 3, tạo điều kiện sẵn sàng hồi sinh ngành du lịch đã bị tổn thương". Đây có thể coi là điểm sáng trong năm 2022, việc mở cửa lại biên giới chắc chắn sẽ thúc đẩy doanh thu ngành du lịch.
Mặt khác, dù tình hình có vẻ lạc quan, HSBC vẫn nhận định, thử thách vẫn còn đó. Hiện tại, giá nhiên liệu thế giới tăng cao sẽ dẫn tới chi phí nhiên liệu tăng từ đó ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại.
Tình hình này sẽ khiến các chỉ số bên ngoài bị thu hẹp, dẫn đến lần thâm hụt tài khoản vãng lai lần thứ hai liên tiếp. Đồng thời, giá dầu tăng cao cũng làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân, làm chậm quá trình phục hồi tiêu dùng cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Trước tình hình giá dầu thế giới tăng cao, HSBC dự báo xu hướng sẽ còn kéo dài một thời gian nữa, tạo áp lực khiến lạm phát gia tăng. Vì vậy, gần đây HSBC đã điều chỉnh dự báo lạm phát lên 3,7% trong năm 2022, vẫn dưới mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước.
HSBC cho rằng mức lạm phát này về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát so với các thị trường mới nổi khác, xét bối cảnh giá thực phẩm và áp lực giá do nhu cầu về cơ bản đã được kiểm soát.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng cho biết, lạm phát năng lượng tiếp tục đà gia tăng, không ngừng tác động lên giá cả tiêu dùng. Lạm phát toàn phần tháng 3 tăng lên 0,7% so với tháng trước khiến mức tăng so với cùng kỳ năm trước đạt 2,4%.
Nguyên nhân chính vẫn do chi phí vận chuyển tăng cao vẫn là, tương tự như các tháng trước đây. Thực tế, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh tăng 7 lần liên tiếp kể từ đầu tháng 12/2021, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3. Để ứng phó với tình hình này, các cơ quan chức năng đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu từ 1/4 tới cuối năm 2022.
HSBC nêu rõ: "Mặc dù vậy, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Vì vậy, chúng tôi đã đẩy dự báo mức điều chỉnh tăng 50 điểm cơ sở lên quý III/2022 (trước đây dự báo quý IV/2022), nhiều khả năng sẽ khiến lãi suất điều hành tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022".