NamABank vẫn 'rối bời'
Hiếm có vị thuyền trưởng nào tận lực nhiều năm với Nam A Bank như CEO Trần Ngọc Tâm. Nhưng đường lối của lãnh đạo ngân hàng này có vẻ như chệch đường ray khi tín dụng tăng trưởng đến đâu, nợ xấu bùng nổ đến đó.
Quản trị rủi ro kém hiệu quả, quản lý doanh nghiệp chưa tối ưu
Dù vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2021 nhưng nếu xét theo quý thì càng về cuối năm hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank, NAB) có xu hướng đi xuống, nợ xấu tăng cao. Điều này đang đi ngược lại với quy luật chung của ngành.
Quý IV/2021, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế giảm hơn 39% so với cùng kỳ 2020, xuống còn 376 tỷ đồng và 298 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ngân hàng này đi lùi là do chi phí dự phòng rủi ro cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, còn lợi nhuận thuần chỉ tăng nhẹ chưa tới 6%.
Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận của ngân hàng tăng cao nhờ thu nhập hoạt động năm 2021 tăng gần 51% với hầu hết mảng kinh doanh chính đều diễn biến tích cực. Dù vậy, ở chiều ngược lại, cả chi phí hoạt động và và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Nam A Bank cũng đều tăng nhanh ở mức 37% và 39%. Đáng chú ý, chi phí nhân viên 1.332 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản ngân hàng tăng 14,1% so với đầu năm lên 153.238 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,1% đạt gần 102.653 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng gần 14% lên 145.212 tỷ đồng. Trong khi, vốn chủ sở hữu là 8.024 tỷ đồng.
Xét về chất lượng dư nợ cho vay, nợ xấu của Nam Á cũng tăng đột biến trong năm 2021. Chất lượng nợ vay tại thời điểm 31/12/2021 kém tích cực khi tổng nợ xấu gấp 2,2 lần đầu năm, chiếm 1.613 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt lên 1.098 tỷ đồng, tăng 135%. Kết quả này kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ 0,83% lên 1,57%.
Chuyển đổi số mới dừng lại ở việc hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm thời gian giao dịch, trải nghiệm dịch vụ mới mẻ… và an toàn, bảo mật thông tin.
Còn tính KPI, tính đến hiệu quả hay là thay đổi năng suất, theo tôi là điều chưa thể thấy ngay lập tức mà còn phải nhiều nấc, nhiều sự cố gắng hơn nữa của ngành tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
Ông Trần Ngọc Tâm - Ceo Nam A Bank
Cũng được biết, trong kế hoạch trình đại hội cổ đông thường niên 2020, ban lãnh đạo Nam A Bank dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) chậm nhất vào tháng 12. Nhưng sau đó, nhà băng này đã "kịp" đưa 389 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM vào ngày 9/10/2020.
Trước đó vào ngày 20/6/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có công văn gửi Nam A Bank về việc đang thực hiện điều tra vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt là cổ phần, cổ phiếu tại Nam A Bank và một số công ty thuộc nhóm Hoàn Cầu. Việc tranh chấp xảy ra giữa chính những người trong gia đình ông chủ Nam A Bank là ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT và bố đẻ là ông Nguyễn Chấn.
Khi đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng cổ phần của Nam A Bank đứng tên cá nhân, tổ chức mà cơ quan điều tra cung cấp. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn mạo hiểm đưa toàn bộ 389 triệu cổ phiếu lên sàn giao dịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và quyền lợi của các cổ đông khác của Nam A Bank. Không những vậy, việc làm này còn có thể gây nên nhiều hệ lụy, khó khăn cho việc xử lý vụ án.
Khi đó, Nam A Bank vẫn khẳng định, đây là vấn đề tranh chấp gia đình, không liên quan đến ngân hàng. Tuy nhiên, những cá nhân này cũng là những cổ đông lớn nhất. Việc xung đột pháp lý thượng tầng ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng.
Sau khi được niêm yết, giá cổ phiếu NAB ghi nhận các biến động với cường độ khá lớn. NAB có giá cao nhất là 22.823 đồng/cổ phiếu vào ngày 31/05/2021 và thấp nhất là 10.670 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/01/2021 tính theo giá điều chỉnh. Hiện, ngày 14/3, NAB giao dịch quanh mức 19.500 đồng/cổ phiếu.
Về cơ cấu cổ đông, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu NAB nhất chiếm tỷ lệ sở hữu 7,33%. Tiếp theo, cổ đông Nguyễn Quốc Toàn 2,59 %, Nguyễn Quốc Mỹ hiện đang nắm giữ 2,22%.
Trong những ngày cuối năm 2021, Nam A Bank đã ghi dấu ấn trên lĩnh vực số hóa ngân hàng khi ra mắt Hệ sinh thái số onebank - Một chạm mọi trải nghiệm, đánh dấu bước chuyển mình mới trong hành trình chinh phục công nghệ 4.0, giúp khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng mà không cần trực tiếp đến ngân hàng. Và cũng được biết Nam A Bank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam thực hiện hệ sinh thái đầy tính ưu việt này.
Trước đó, Nam A Bank cũng là ngân hàng Việt đầu tiên tại Việt Nam đưa Robot opba vào hỗ trợ giao dịch tại điểm kinh doanh trên cả nước, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng hoạt động cũng như tiết kiệm được nhiều thời gian cho cả khách hàng và ngân hàng. Hiện chi phí nhân viên và chi phí vận hành của Nam A Bank vẫn tăng mạnh so với mặt bặt chung của ngành, dù cùng đẩy mạnh chiến lược số.
Với những nỗ lực trong đầu tư công nghệ, Nam A Bank nhận hàng loạt giải thưởng uy tín về công nghệ như "Ngân hàng số thế hệ mới tốt nhất Việt Nam 2021" (Best New Digital Bank Vietnam 2021) do Tạp chí International Business tổ chức, "Chuyển đổi số Việt Nam - VietNam Digital Awards 2019", "Ngân hàng triển khai công nghệ tốt nhất Việt Nam 2021" (Best Banking Technology implementation Vietnam 2021 do do Tạp chí Global Banking & Finance bình chọn.
CEO dẫn dắt Nam A Bank tăng trưởng nóng, luẩn quẩn vòng nợ xấu
Ngày 8/3, Nam A Bank có cam kết cấp tín dụng số 331/2022, trong đó đồng ý xem xét cấp cho Công ty Hoàng Gia Đà Lạt số tiền gần 1.652 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục Dự án khu nghỉ mát Đà Lạt nếu công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng theo quy định. Thời hạn có hiệu lực đến hết ngày 31/12. Được biết, dự án này được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư từ năm 1991 và trải qua 9 lần điều chỉnh chứng nhận (gần nhất là tháng 7/2018).
Theo tìm hiểu, Hoàng Gia Đà Lạt được thành lập vào tháng 8 năm 1991, tiền thân là Công ty TNHH Một thành viên Khu nghỉ mát Đà Lạt sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Khu nghỉ mát Đà Lạt (29/06/2019). Người đại diện trước pháp luật kiêm Tổng Giám đốc Công ty tới thời điểm hiện tại là ông Nguyễn Hoàng Vũ (sinh năm 1985). Theo công bố thông tin gần nhất (tháng 9/2019), bà Dương Trương Thiên Lý là cổ đông lớn nhất sở hữu 78% cổ phần (giá trị hơn 661 tỷ đồng) chính là vợ của ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Nam A Bank.
Hoàng Gia Đà Lạt được biết đến là công ty nợ tiền ngân sách liên tiếp 3 năm từ 2017 đến 2019 với số tiền gần 32 tỷ đồng. Trong đó nợ ngân sách gần 30,8 tỷ đồng và hơn 1,2 tỷ tiền chậm nộp. Đến thời điểm tháng 6/2021, công ty này vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nêu trên.
Ngoài ra, theo thông tin từ Cục thuế Lâm Đồng, tính tới hết tháng 8/2021, ghi nhận 44 doanh nghiệp nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, với tổng số tiền thuế nợ khoảng 115 tỷ đồng trong đó Hoàng Gia Đà Lạt đứng đầu với số nợ lên tới 60,8 tỷ đồng.
Công ty này có kết quả kinh doanh kém sáng với những khoản lỗ triền miên hàng trăm tỷ đồng. Doanh thu cũng không thể bứt lên, mức cao nhất ghi nhận vào năm 2019 cũng chưa đến 150 tỷ đồng. Giai đoạn 2018-2020, các khoản lỗ liên tục bị đào sâu qua từng năm từ 90,9 tỷ năm 2018 lên 134,8 tỷ năm 2019 và 176,1 tỷ năm 2020. Kéo theo đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này cũng bị ăn mòn hết, thậm chí âm đến 360 tỷ đồng vào cuối năm 2020.
Một công ty có năng lực tài chính như vậy nhưng vẫn nhận được sự hậu thuẫn của Nam A Bank vì có mối quan hệ gia đình. Hay, ngân hàng không lo ngại khoản nợ trên có nguy cơ thành "nợ xấu"?
Nam A Bank chính thức hoạt động từ năm 1992. Theo tìm hiểu, từ những ngày đầu hoạt động, nhà băng này chỉ có 3 chi nhánh với vốn điều lệ 5 tỷ đồng và gần 50 cán bộ nhân viên. Đến ngày 28/4/2018, tại Đại hội cổ đông thường niên, đại diện ngân hàng đã công bố quyết định chấp thuận ông Trần Ngọc Tâm làm Tổng giám đốc Nam A Bank. Trước đó, ông Tâm được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc từ ngày 6/3/2018 sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú thôi nhiệm.
Được biết, ông Trần Ngọc Tâm sinh năm 1973, nguyên quán Nam Định, tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học UBIS Thụy Sỹ. Ông có hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và từng kinh qua nhiều vị trí trọng yếu tại một số tổ chức kinh tế có uy tín.
Ông Tâm công tác tại Nam A Bank từ năm 2003 với vai trò cán bộ bộ tín dụng, trải qua nhiều cấp lãnh đạo trong hệ thống, từng làm Giám đốc chi nhánh Quang Trung rồi Giám đốc các khối nghiệp vụ như Công ty quản lý nợ và Khai thác tài sản, Khối Kinh doanh II.
Cùng với ông Trần Ngô Phúc Vũ, ông Tâm là một trong hai yếu nhân được Nam A Bank gửi gắm cho tham vọng sáp nhập với Eximbank. Đến tháng 3/2015, ông Tâm và ông Vũ thôi nhiệm để tham gia danh sách ứng cử vào HĐQT Eximbank. Tuy nhiên, kế hoạch sáp nhập không thành, ông Tâm lại trở về và tiếp tục giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc ở Nam A Bank cho đến ngày trở thành tổng giám đốc của ngân hàng này.
Việc bổ nhiệm CEO Trần Ngọc Tâm vào "ghế nóng" Nam A Bank được kỳ vọng là nhân tố mới, có khả năng kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được. Đồng thời, quyết tâm thực hiện đề án tái cơ cấu để tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển thành ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại.
Ngay sau khi nhận chức, Nam A Bank đã có sự bứt phá phát triển ngoạn mục dưới sự dẫn dắt của Tổng giám đốc mới. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của ngân hàng trong 5 năm tại thời điểm đó. Tính đến 31/08/2018, tổng tài sản của Nam A Bank tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2017.
Nợ xấu liên quan đến hệ số tín nhiệm của nền kinh tế, đánh giá năng lực tài chính của ngân hàng.
Vì vậy, xử lý nợ xấu là vấn đề thận trọng, không để tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu. Phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ".
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Tuy nhiên, xét về kết quả kinh doanh trong khoảng nhiều năm trở lại đây, Nam A Bank luôn gây chú ý với mức tăng trưởng tín dụng thần tốc trên 2 con số. Năm 2020, Nam A Bank cũng ghi nhận nhiều khởi sắc hoạt động cho vay và huy động vốn, đặc biệt tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm. Dư nợ cho vay của Nam A Bank trong năm 2020 đạt 89.172 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2019. Trong khi đó, số nợ xấu cho vay khách hàng chỉ khoảng 744 tỷ đồng. Tức là, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,83% tổng dư nợ cho vay khách hàng, thấp hơn rất nhiều so với mức cho phép 3% của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, khi tính đến thời điểm tháng 6/2020, tổng số nợ xấu của Nam A Bank vẫn là 2.559 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,93% tổng dư nợ. Một điều lạ là, Nam A Bank đã xử lý khoản nợ xấu này ra sao để có kết quả sổ sách “sạch đẹp” đến cuối năm 2020?
Theo báo cáo tài chính, trong vòng 3 tháng cuối năm 2020, Nam A Bank đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) các khoản nợ xấu có tổng dư nợ gốc là 2.234 tỷ đồng. Đặc biệt, tính chung cả năm 2020, Nam A Bank đã bán 3.552 tỷ đồng bao gồm các khoản nợ của mình cho một doanh nghiệp khác (tên của doanh nghiệp mua nợ này không được Nam Á tiết lộ). Thế nhưng, Nam A Bank vẫn phải trích lập dự phòng cho từng món nợ cụ thể trên.
Theo đó, hơn 3.500 tỷ đồng cho vay khách hàng được chuyển sang mục phải thu trong tài sản có khác của ngân hàng. Nhờ đó, Nam A Bank vừa giảm được nợ xấu, vừa làm tăng tài sản của mình trên sổ sách.
Đến thời điểm 30/6/2021, nhà băng này có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính. Tốc độ tăng nợ xấu cao nhất hệ thống, tăng 83% so với cuối năm 2020, lên hơn 1.362 tỷ đồng. Lý do nợ xấu tăng mạnh là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng vọt 125% lên gần 1.053 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng nhanh, thần tốc là một điều bất kỳ ngân hàng nào cũng mơ ước, nhưng đi theo nó lại là hệ lụy rủi ro tín dụng, nợ xấu tăng cao. Trong khi, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cho rằng, tăng trưởng tín dụng trên 30% là “tăng trưởng nóng” kéo theo chất lượng tín dụng đi xuống.
Mới đây, ngày 22/02/2022, Nam A Bank đã ký kết hợp tác chiến lược với Nam Miền Trung Group nhằm xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam lên đến 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025.
Về việc này, CEO Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Nam A Bank từng cho biết, theo định hướng phát triển của ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Nam A Bank mong muốn đồng hành cùng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn cùng các doanh nghiệp xây dựng phát triển hệ sinh thái ngành thủy sản, đặc biệt là tôm xuất khẩu nhằm tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.
Có thể thấy, CEO Trần Ngọc Tâm rất kỳ vọng Nam A Bank sẽ đạt được mục tiêu chiến lược đề ra. Nhưng nếu với những chiến thuật mang tính nóng vội, kết quả bề ngoài có thể nhìn thấy, nhưng hậu quả sẽ bùng nổ. Bài học nợ xấu của NamABank là một ví dụ.