Metro Số 1 về thêm 2 đoàn tàu
Các đoàn tàu thuộc tuyến Metro Số 1 đều sản xuất tại Nhật Bản, thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Mỗi tàu ba toa dài 61,5 m, chở được 930 khách.
Ngày 11/3, sau 9 ngày rời cảng Kudamatsu ở Nhật Bản, 6 toa của đoàn tàu thứ 12, 13 tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) về đến TP HCM.
Được biết, mỗi toa tàu dài 21 m, rộng 3 m, cao gần 4 m, được hạ tải từ tàu biển xuống cảng Khánh Hội, quận 4. Sau 3-4 ngày, 6 toa metro được xe siêu trường vận chuyển về depot Long Bình, TP Thủ Đức, để lắp ráp thành các đoàn tàu hoàn chỉnh.
Metro Số 1 dài gần 20 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình, với ba ga ngầm và 11 ga trên cao.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.
Hiện, dự án đạt khoảng 89% khối lượng. TP HCM dự kiến vận hành thương mại tuyến metro vào năm 2023.
Như vậy, tuyến Metro Số 1 có 13 trong tổng 17 tàu đã được đưa về. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (chủ đầu tư), sau lần nhập hai đoàn tàu thứ 12 và 13, dự án còn hai đợt nhập khác để đưa toàn bộ các tàu còn lại về thành phố. Đợt kế tiếp dự kiến vận chuyển các đoàn tàu thứ 14 và 15 vào cuối tháng 3 năm nay.
Các đoàn tàu thuộc tuyến Metro Số 1 đều sản xuất tại Nhật Bản, thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Mỗi tàu ba toa dài 61,5 m, chở được 930 khách (đứng, ngồi). Vỏ tàu làm bằng hợp kim nhôm, phía ngoài sơn màu chủ đạo xanh dương, với các cửa đối xứng nhau ở hai bên cho khách dễ dàng lên xuống khi đưa vào vận hành.
Phía trong các toa metro thiết kế sàn thấp, rộng, gam màu sáng tạo không gian thông thoáng. Trên tàu cũng có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật; ghế ưu tiên phụ nữ mang thai, người già. Buồng lái được bố trí ở hai đầu tàu, rộng bằng toa xe, có cửa thoát hiểm ở trước. Tàu thiết kế hệ thống điều khiển thông qua vô tuyến; vận hành, theo dõi tự động.
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết, việc thử nghiệm tàu dự kiến thực hiện từ giữa năm nay, đầu tiên trên đoạn depot Long Bình đến ga Bình Thái (TP Thủ Đức). Sau đó, tàu vận hành thử từ Bình Thái đến ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh) vào khoảng tháng 8, trước khi trên toàn tuyến ở thời điểm cuối năm.
Bên cạnh đó, hệ thống tín hiệu, cấp điện, điều khiển tàu tự động cũng được kiểm tra. Các đầu việc khác phục vụ công tác vận hành, đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiệm thu, bàn giao cũng được chủ đầu tư tập trung thực hiện.