Làn sóng tài xế bỏ nghề lan sang nhiều quốc gia
Làn sóng đình công được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc khi mà chi phí xăng dầu tăng chóng mặt, thu nhập thấp cùng với đó là mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Trào lưu bỏ nghề
Nguyên nhân bắt nguồn từ chi phí xăng dầu cao và sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống là những lý do chính đằng sau trào lưu nghỉ việc tại thị trường dịch vụ gọi xe Trung Quốc - một chủ đề gây chú ý trên báo chí quốc tế trong nhiều năm nay.
Theo một báo cáo được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu và Trợ giúp Pháp lý Bắc Kinh Yilian cho biết hơn 95% tài xế gọi xe Trung Quốc làm việc hơn 8 giờ mỗi ngày và 28% trong số họ làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày. Và hơn 44% nhân viên giao hàng của đất nước này phải giao hơn 800 đơn hàng hàng tháng.
Bên cạnh thu nhập không ổn định, các tài xế còn phải đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau như tai nạn giao thông, thời tiết xấu và những rủi ro khác. Vào những giờ cao điểm, không khó để bắt những người giao hàng thậm chí lái xe bằng một tay trong khi tay kia cầm điện thoại để nhận các đơn hàng khác.
Ứng dụng Didi là một trong những công ty đặt xe hàng đầu Trung Quốc bị cáo buộc là đưa ra mức chiết khấu không hợp lý và sử dụng tiền thưởng để khiến tài xế làm thêm nhiều giờ hơn.
Những năm gần đây tại Trung Quốc, phong trào ‘nằm phẳng’ hay ‘nằm yên, kệ đời’ đang là một hiện tượng đáng chú ý. Ngày càng có nhiều người trẻ mong muốn rời khỏi thị trường lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, chủ yếu xuất phát từ văn hóa làm việc khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên. Không chỉ Trung Quốc, xu hướng này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, khi nhiều người chấp nhận lối sống buông bỏ, chống chủ nghĩa vật chất trước triển vọng việc làm ảm đạm và sự cạnh tranh gay gắt để kiếm tiền.
Xu hướng "di cư ngược" từ thành phố về nông thôn cũng đang phổ biến khi đa số người lao động cho biết "Chúng tôi những tưởng rằng chế độ nô lệ đã chết. Thực ra, nó chỉ thích nghi với kỷ nguyên kinh tế mới mà thôi". Việc bán mạng làm việc nhiều giờ mỗi ngày khiến cho họ bị kiệt quệ về cả thể xác và tinh thần. Do vậy, chọn cách về quê sẽ giúp họ giảm thiểu nỗi lo về chi phí cũng như có 1 tâm trạng thoải mái để tiếp tục sinh sống.
Tuy nhiên ở Việt Nam phong trào này lại có chút khác biệt, phần lớn tài xế Việt Nam không chấp nhận sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống và mức thu nhập không phù hợp. Họ sẵn sàng đấu tranh cho những gì họ cho là đúng như tắt app và yêu cầu chiết khấu tốt hơn, quyền lợi và các nhu cầu an sinh xã hội, để phù hợp với mức sống "bon chen" tại các thành phố lớn.
Ngay sau khi giá xăng chạm mức 30.000 đồng vài ngày trước, các tài xế taxi công nghệ đã đồng loạt tắt ứng dụng và tập trung tại các văn phòng của những hãng gọi xe để yêu cầu mức chiết khấu tốt hơn và các khoản thưởng khác. Bên cạnh đó, nhiều người trong số họ chuyển sang các công việc khác để kiếm tiền.
Đa số đều cho rằng, thu nhập từ lái xe công nghệ hiện nay không thể kiếm sống. Một cựu tài xế taxi công nghệ vừa nghỉ việc cho biết, anh kiệt sức vì phải làm thêm nhiều giờ. “Tôi phải làm việc từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới có đủ tiền trang trải.”
Ngay cả các tài xế taxi truyền thống cũng trong tình trạng tương tự trong khi các hãng taxi chịu thiệt hại nặng nề trong đợt đại dịch kéo dài hơn 2 năm. Theo các hãng, rất nhiều tài xế đã xin nghỉ việc và họ phải thanh lý hầu hết xe để xóa nợ tại các ngân hàng.
Số liệu do Hiệp hội Taxi Hà Nội công bố cho thấy, khoảng 12.000 tài xế taxi đã rời thị trường kể từ khi COVID-19 bùng nổ. Trái ngược với các hãng taxi, các công ty dịch vụ gọi xe như be và Gojek lại cho rằng nhu cầu đi lại vượt cung là những gì thực sự đang diễn ra.
Taxi công nghệ là một ngành mới, do đó, nó ẩn chứa nhiều rủi ro cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Tại Đông Nam Á, các hãng như Grab và Gojek vẫn chịu lỗ nặng nên họ đặc biệt phụ thuộc vào số lượng lớn nhân viên để duy trì hoạt động. Trong khi đó, các khoản phụ cấp và chế độ làm việc cho lao động tự do, bao gồm tài xế taxi công nghệ vẫn chưa được hình thành, khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn so với những người làm việc trong văn phòng. Nhìn chung, để hoàn thiện và khắc phục từng lỗi trong ngành này là vẫn một chặng đường dài.
Giá cước tăng, doanh thu chảy hết về doanh nghiệp
Trong các hãng gọi xe công nghệ, Grab cũng là hãng tiên phong tăng giá cước hầu hết các dịch vụ từ sau 10/3. Tới 4 ngày sau, tức 14/3, Gojek cũng nối gót tăng cước 2 dịch vụ GoRide (vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh) lên 11.000 - 13.000 đồng và tăng từ 500 - 900 đồng cho mỗi kilômet tiếp theo. Giá tối thiểu của dịch vụ GoFood tăng thêm 1.000 đồng so với trước đó. Trước đó, hồi tháng 2, BeGroup cũng tăng cuốc dịch vụ tại Hà Nội.
Hầu hết các lập luận được đưa ra khi tăng giá cước là trên cơ sở tính toán mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dùng, đồng thời đảm bảo cho các đối tác tài xế hay bù đắp một phần chi phí vận hành và khuyến khích tài xế tích cực làm việc... Tăng giá cước nhưng thu nhập thực tế các tài xế không cải thiện được là bao nhiêu.
Một tài xế GrabCar chia sẻ áp lực với xe 4 chỗ càng lớn hơn khi tỉ lệ khấu trừ với hãng là 31,5%, trước đây là 33% (do giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%). Tỉ lệ giảm này giảm theo mức của Nhà nước chứ bản chất thật sự app không giảm. Trước tình hình giá xăng căng thẳng, anh Long cho biết rất nhiều tài xế mong muốn hãng xe giảm chiết khấu xuống còn 20% với xe 4 bánh, từ đó cải thiện thu nhập của tài xế và không cần tăng cước phí gây mất khách.
Thu nhập tài xế giảm sút, việc tăng giá cước bù đắp khoản hao hụt tưởng chừng hợp lý nhưng thực tế tiền vẫn "chảy về túi" của các doanh nghiệp. Tài xế xe 2 bánh, 4 bánh đang chia sẻ chiết khấu lần lượt từ 26 - 31,5% cho mỗi cuốc xe. Số tiền thực nhận còn lại của tài xế chưa trừ các chi phí như ăn uống, xăng, nhớt, điện thoại, công sức... Cả tài xế và hành khách đều gặp khó khăn vì chi phí tiêu dùng cao hơn thì phía ứng dụng đặt xe lại "kiếm thêm" từ sự tăng giá cho dù không thuộc đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp.
Nhiều tài xế đã cố gắng trụ qua đợt dịch Covid-19, tuy nhiên ngay sau dịch bệnh thì giá xăng lại tăng cao, khiến thu nhập từ nghề lái xe ngày càng thấp đi. Những tài xế không còn mặn mà với nghề lái xe công nghệ không phải là ít, đa số những người lao động đã quyết định quay trở lại nghề nghiệp cũ hoặc học thêm nghề mới để trang trải cuộc sống thay vì chờ đợi những "ông lớn" thay đổi. Lượng tài xế ngày càng ít đi khiến cho việc đặt xe của người dùng cũng trở nên khó khăn hơn.