Chuyên mục


Khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

22/05/2023 11:21 (GMT +7)

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 22/5, dự kiến bế mạc vào ngày 23/6 và được tổ chức thành 2 đợt. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày với khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng.

Sáng 22/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là 22 ngày

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là 22 ngày

Theo chương trình, trước giờ khai mạc kỳ họp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Sau đó, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đúng 9h sáng, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp, Cổng TTĐT Chính phủ tiếp sóng trực tiếp.

Khối lượng công việc lớn, quyết định những nội dung quan trọng

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 9 dự án Luật, đồng thời xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; công tác nhân sự...

Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; giảm thuế giá trị gia tăng.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, khối lượng công việc lớn, xem xét, quyết định những nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát cũng như quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. 

Điểm mới trong tổ chức kỳ họp lần này là chia kỳ họp làm 2 đợt và có thời gian nghỉ giữa kỳ họp kéo dài 1 tuần để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết, bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao khi được thống nhất thông qua và ban hành.

Thời gian qua, với tinh thần chủ động "từ sớm, từ xa", theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình chuẩn bị các dự án Luật, Nghị quyết, đề án trình Quốc hội, tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia, các đại biểu Quốc hội chuyên trách, liên tục tiếp thu, chỉnh lý để bảo đảm nội dung trình Quốc hội bảo đảm chất lượng.

Chương trình ngày làm việc đầu tiên

Theo dự kiến, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Lãnh đạo Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình tiếp tục trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội dành phần lớn thời gian tiếp theo cho công tác nhân sự vào cuối buổi sáng và toàn bộ buổi chiều ngày làm việc đầu tiên.

Theo Báo Điện tử Chính phủ
Có mấy bộ phận cán bộ 'không làm gì cả'?
Nhóm thứ nhất là không biết gì nên không làm gì. Nhóm thứ 2 là biết nhưng không thấy lợi nên không làm. Nhóm thứ 3 là biết nhưng sợ trách nhiệm nên cũng không làm.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chúc mừng tăng ni, phật tử tại Bắc Ninh
Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực của Phật giáo, của Hòa thượng Thích Thanh Dũng và Thượng tọa Thích Đức Thiện, đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải tạo chuyển biến cụ thể để Nghệ An 'bước thật mạnh, tiến thật xa'
Ngày 25/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Ban Bí thư ra Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đảm bảo ATGT
Ngày 25/5/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cơ bản đáp ứng được yêu cầu
Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Quốc hội xem xét tại phiên họp toàn thể diễn ra tại hội trường vào chiều 25/5.

Chính phủ phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động vào cuộc để xem xét, phân tích và đưa ra nhiều phản ứng chính sách kịp thời.

Thu NSNN đáp ứng kịp thời cải cách tiền lương, an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển
Năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.