Khắc phục mặt đường hư hỏng trên các tuyến đường mới ở TPHCM
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng xảy ra hư hỏng, xuống cấp đối với các dự án đầu tư công trình giao thông.
Bộ Giao thông vận tải vừa trả lời cử tri TP.Hồ Chí Minh "về việc nhiều đoạn dài trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ mới làm nhưng mặt đường bị hư hỏng. Cử tri kiến nghị Bộ tăng cường giám sát và khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông”.
Bộ Giao thông vận tải luôn chú trọng công tác quản lý chất lượng các công trình giao thông đường bộ ngay từ khi triển khai thi công cho đến khi hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng vì đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng và quyết định chất lượng, tiến độ, an toàn, hiệu quả đầu tư xây dựng và tuổi thọ của công trình, dự án.
Theo các quy định hiện hành, trách nhiệm về chất lượng công trình thuộc về chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công xây dựng. Vì vậy, với vai trò cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các chỉ thị, văn bản về việc kiểm soát và nâng cao chất lượng công trình, tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tư vấn và nhà thầu để tổ chức quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng trong từng giai đoạn thực hiện: từ giai đoạn lập dự án đầu tư, khảo sát - thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công xây dựng, giám sát công trình đến nghiệm thu bàn giao và bảo hành công trình.
Với sự quyết liệt chỉ đạo của Bộ GTVT, trong thời gian qua, nhiều công trình, dự án đã được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu giao lưu hàng hóa và đi lại an toàn cho nhân dân. Đối với một số hạng mục công trình có khiếm khuyết về chất lượng, Bộ GTVT đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát, đánh giá đầy đủ nguyên nhân chủ quan, khách quan để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, đồng thời yêu cầu các Nhà thầu tổ chức khắc phục đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình.
Trong quá trình khai thác, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan quản lý đường bộ tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì, khắc phục hậu quả thiên tai trên hệ thống công trình giao thông đường bộ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu khai thác an toàn, thuận lợi; ưu tiên dành nguồn lực cho công tác bảo trì, thực hiện theo dõi, chỉ đạo, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch bảo trì, tổ chức thanh tra, kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện công tác bảo trì nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng xảy ra hư hỏng, xuống cấp đối với các dự án đầu tư công trình giao thông.