Khắc phục hệ thống thoát nước trên QL.19
Ngày 17/02/2023, Khu Quản lý đường bộ III đã phối hợp với UBND phường Ngô Mây, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra hiện trường và đã chỉ đạo nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên tiến hành đào rãnh thoát nước, khơi thông dòng chảy khắc phục ô nhiễm môi trường theo kiến nghị của cử tri.
Bộ GTVT vừa trả lời đề nghị thi công hệ thống thoát nước trên QL.19 sau khi nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 2081/BDN ngày 30/12/2022 và Công văn số 21/BDN ngày 10/01/2023.
Theo đó, về hệ thống thoát nước dọc theo QL.19 trên địa phận phường Ngô Mây và xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, cụ thể là đoạn tuyến có lý trình từ Km67+000 - Km76+000. Trong đó, đoạn từ Km67+000 - Km70+740 thuộc Dự án tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư đang triển khai thi công (bao gồm các hạng mục xây dựng nền mặt đường, cống, rãnh ...), dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023. Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam (Cục ĐBVN), đơn vị quản lý đường bộ thường xuyên có văn bản gửi Ban quản lý dự án 2 chỉ đạo nhà thầu thực hiện tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn tuyến đang khai thác.
Công trình xây dựng mương thoát nước dọc QL.19 thuộc địa phận phường Ngô Mây, xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai hiện đang gây khó khăn và nguy hiểm cho người dân khi đi lại, việc đặt cống hộp trước nhà các hộ dân dọc tuyến đường này không đồng đều: Hộ có mương thoát nước, hộ không có mương thoát nước, gây bất bình trong nhân dân và mất an toàn giao thông; đồng thời, đoạn QL.19 từ đầu đường Ngô Gia Tự (đường vào Nghĩa trang nhân dân thị xã An Khê) đến cầu Đá Bàn không có mương thoát nước dọc, nước ứ đọng lâu ngày có mùi hôi, nước thải chảy trên đường gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị Bộ GTVT có phương án đẩy nhanh tiến độ thi công và khắc phục các vấn đề còn tồn tại trên tuyến đường này.
Cử tri tỉnh Gia Lai cho biết
Đối với đoạn Km70+740 - Km76+000: Do nguồn vốn dành cho công tác bảo trì hạn chế nên trong năm 2021, Cục ĐBVN đã thực hiện sửa chữa mặt đường đoạn Km72-Km73 và sửa chữa một số vị trí rãnh dọc đoạn Km71+000 - Km74+900. Năm 2023, Bộ GTVT tiếp tục bố trí vốn sửa chữa mặt đường đoạn Km70+740 – Km72+000, đoạn Km74+600-Km76+000 và sửa chữa một số vị trí rãnh dọc trên đoạn tuyến từ Km70+000 - Km71+000; Căn cứ vào nguồn vốn bảo trì được cấp hàng năm, các đoạn tuyến còn lại của QL.19 đi qua thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai (bao gồm cả hệ thống thoát nước dọc và hệ thống ATGT) sẽ được tiếp tục tiếp hành sửa chữa trong các năm tiếp theo theo quy định.
Về hệ thống thoát nước trên đoạn từ đường Ngô Gia Tự (đường vào nghĩa trang nhân dân thị xã An Khê tại Km73+450) đến cầu Đá Bàn tại Km73+364, theo báo cáo của Cục ĐBVN, đây là đoạn tiếp giáp với thị xã An Khê nên tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện tại đoạn tuyến này rất đông dân cư sống hai bên đường. Do mương thoát nước bằng đất hiện hữu đã bị các hộ dân lấp để đặt ống cống với đường kính nhỏ để làm đường vào nhà gây nên tình trạng “nước ứ đọng lâu ngày có mùi hôi, nước thải chảy trên đường gây ô nhiễm môi trường” như cử tri phản ánh.
Ngày 17/02/2023, Khu Quản lý đường bộ III đã phối hợp với UBND phường Ngô Mây, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra hiện trường và đã chỉ đạo nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên tiến hành đào rãnh thoát nước, khơi thông dòng chảy khắc phục ô nhiễm môi trường theo kiến nghị của cử tri. Đồng thời, Khu Quản lý đường bộ III cũng làm việc với UBND phường Ngô Mây để tuyên truyền, vận động những hộ dân sống hai bên quốc lộ không xả nước thải ra đường đảm bảo ATGT trên tuyến và an toàn công trình đường bộ.
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (gọi tắt là Dự án nâng cấp, mở rộng QL19) dài khoảng 143km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định do Ban Quản lý Dự án 2, Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng), thi công từ cuối tháng 8/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Tuy nhiên, việc thi công đường và mương thoát nước 2 bên khiến cho rất nhiều nhà dân tại Gia Lai bị biến thành những “căn hầm” khi mặt đường mới cao hơn nhiều so với nền nhà. Người dân sinh sống tại đây cũng phải đối diện với nguy cơ nước, đất đá tràn vào nhà nếu không tôn cao nền. Thi công mương thoát nước quá cao dọc tuyến cũng chắn mất lối vào nhà dân và khiến việc đi lại, chở nông sản gặp khó khăn.
Trước đó, Sở GTVT Gia Lai đã phối hợp với Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư, thuộc Bộ GTVT) kiểm tra thực tế thi công tại hiện trường quốc lộ (QL) 19. Qua kiểm tra thực tế, một số đoạn đã thi công hệ thống thoát nước có cao độ mương cao so với nhà dân 2 bên, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của các hộ dân.
Tại buổi kiểm tra, sở đã đề nghị Ban Quản lý dự án 2 tổ chức kiểm tra, rà soát lại hồ sơ thiết kế và thực tế triển khai tại hiện trường trên toàn bộ dự án để có giải pháp xử lý, điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo dân sinh và sinh hoạt của nhân dân khu vực dự án. Sở GTVT Gia Lai cũng đề nghị Ban Quản lý dự án 2 kiểm tra, phúc đáp các nội dung cơ quan báo chí phản ánh.