Hơn một nửa tuyến xe khách TPHCM đã về bến mới
Theo Sở GTVT TP.HCM, khi tình hình ở bến xe mới ổn định, giao thông kết nối được đảm bảo, chủ đầu tư sẽ tiếp tục dời toàn bộ 63 tuyến còn lại (giai đoạn 3).
Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản gửi Sở GTVT 15 tỉnh, thành đề nghị phối hợp thông báo, tuyên truyền việc di dời các tuyến xe khách giai đoạn 2 từ bến xe Miền Đông cũ sang bến xe Miền Đông mới.
Theo đó, 79 tuyến xe khách (với 120 hành trình tuyến) đang hoạt động tại bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) đi đến các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau sẽ dời sang bến xe mới từ ngày 11/10.
Theo Sở GTVT TP.HCM, khi tình hình ở bến xe mới ổn định, giao thông kết nối được đảm bảo, chủ đầu tư sẽ tiếp tục dời toàn bộ 63 tuyến còn lại (giai đoạn 3). 63 tuyến ở giai đoạn 3 bình quân khai thác 518 chuyến/ngày, chiếm 34% số chuyến xuất bến tại Bến xe Miền Đông hiện hữu. Trước đó, ở giai đoạn 1 từ tháng 10/2020, Bến xe Miền Đông mới tiếp nhận từ bến xe cũ và khai thác 24 tuyến chạy từ Quảng Trị ra Bắc (hơn 1.100 km trở lên).
Song song với việc di dời các tuyến, bến xe Miền Đông cũ ở quận Bình Thạnh sẽ bố trí lại mặt bằng trông giữ xe hai bánh, xe ô tô cho hành khách để sử dụng xe trung chuyển về bến xe Miền Đông mới. Đồng thời, tại bến cũ sẽ ưu tiên bố trí diện tích cho phương tiện giao thông công cộng gồm xe buýt, xe taxi đậu, đỗ để đón, trả khách, văn phòng điều hành và nhà chờ cho hành khách. Tại bến xe cũ cũng kết hợp khai thác dịch vụ hỗ trợ để cung cấp dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa xe, rửa xe, cung ứng nhiên liệu kể cả trạm nhiên liệu khí CNG cho xe buýt và các trạm sạc điện…
Bến xe Miền Đông mới, cách bến xe cũ khoảng 20 km, là bến xe lớn nhất nước có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm đi vào khai thác, bến xe này luôn rơi vào tình trạng vắng khách. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, mỗi ngày, bến xe Miền Đông mới chỉ phục vụ 47 hành khách, giảm 93% so với thời điểm trước dịch.
Về tình trạng "xe dù, bến cóc" có thể sẽ phát sinh xung quanh bến xe Miền Đông mới và nội đô, theo ông Nguyễn Hoàng Huy, tổng giám đốc bến xe Miền Đông, vấn đề này sở đã có hướng xử lý sớm. Sở đã thống nhất với các lực lượng kiểm tra, xử lý một số khu vực trọng điểm, đặc biệt là các tuyến đường xung quanh khu vực bến xe Miền Đông cũ, dọc tuyến kết nối bến xe mới. Tổ thanh tra có trách nhiệm kiểm soát, xử lý, báo cáo kịp thời tình trạng "xe dù, bến cóc", đảm bảo việc di dời đi liền với chống hiện tượng xe hợp đồng trá hình tung hoành.
Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ phối hợp khảo sát, gắn thêm camera phục vụ xử phạt nguội, cắm biển báo, phân luồng giao thông, tránh ùn tắc giao thông quanh bến xe mới. Sở GTVT TP cũng đề nghị địa phương (chịu trách nhiệm chính với Chủ tịch UBND TP về "xe dù, bến cóc" trên địa bàn) phải tăng cường kiểm tra xử lý cùng với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông.
Xe khách đi theo quốc lộ 1: bến xe Miền Đông mới - quốc lộ 1 (đi theo hướng cầu Đồng Nai) và ngược lại.
Xe khách đi cao tốc: bến xe Miền Đông mới - Hoàng Hữu Nam - D400 - quốc lộ 1 - điểm quay đầu xe trước nghĩa trang liệt sĩ TP - quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội - đường D1 Khu công nghệ cao - đường D2 Khu công nghệ cao - cầu Phú Hữu - vành đai 2 (Võ Chí Công) - vòng xoay Phú Hữu - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ranh giới địa phận TP.HCM và ngược lại.