Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương tập huấn nghiệp vụ cho nhân sự của Công ty Vận tải cao su Dầu Tiếng
Ban đào tạo của HHVT Bình Dương phối hợp với Công ty cổ phần Cơ khí - Vận tải cao su Dầu Tiếng tổ chức lớp “Tập huấn nghiệp vụ vận tải và ATGT cho người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe” cho hơn 70 nhân sự trong doanh nghiệp ngày 13/10.
Đến dự khai giảng có ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần CK-VT Cao su Dầu Tiếng, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Bình Dương, ông Vũ Quang Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội, ông Lê Lan Đình Ủy viên BCH, TV Ban Kiểm tra; ông Đoàn Trọng Tuấn Uỷ viên BCH, Chánh VP , TV ban đào tạo Hiệp hội.
Việc đào tạo và nâng cao nghiệp vụ vận tải cùng với việc đảm bảo ATGT đã trở thành một phần quan trọng của hệ thống giao thông hiện đại. Với tình hình giao thông phức tạp và số lượng xe cộ ngày càng gia tăng, sự an toàn và hiệu suất trong lĩnh vực vận tải đã trở nên cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, các công ty có sử dụng dịch vụ vận tải như Công ty CP CK-VT cao su Dầu Tiếng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và trách nhiệm đối với an toàn giao thông đường bộ.
Chương trình đào tạo được thiết kế trong 2 ngày 13,14/10 bao gồm nhiều khía cạnh quan trọng của nghiệp vụ vận tải và ATGT như quy tắc giao thông, kỹ thuật lái xe an toàn, kiểm tra và bảo dưỡng xe cộ, xử lý tình huống khẩn cấp, và quản lý thời gian và áp lực trong công việc... Đặc biệt, chương trình đào tạo tập trung vào tầm quan trọng của an toàn cho tài xế và người tham gia giao thông giúp giảm nguy cơ tai nạn và thất thoát trong ngành vận tải.
Trước đó, Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương cũng đã có buổi làm việc với nhà sản xuất xe Bus điện theo chương trình chuyển đổi năng lượng xanh của Chính phủ ngày 28/7/2023 văn bản số: 3800/KH-UBND của UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Kế hoạch đặt ra mục tiêu từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng xe điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.