Hé lộ loạt giải pháp "nóng" quản chặt xe kinh doanh vận tải
Dự thảo sửa Nghị định 10/2020/NĐ-CP vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ đã có nhiều thay đổi so với dự thảo lấy ý kiến công khai hồi tháng 9 vừa qua, đặc biệt là tăng chế tài với hành vi không nộp lại phù hiệu, thời hạn cấp lại phù hiệu vận tải...
Theo Bộ GTVT, sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 10/2020, một số quy định đối với loại hình xe hợp đồng, du lịch còn khó xác định trong thực tế hoặc phải có công cụ công nghệ thông tin để xác định.
Trong quá trình thực hiện, lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xác định vi phạm đối với một số quy định. Đơn cử như quy định: Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết (tại điểm d khoản 3 Điều 7).
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng nhiều xe xin phù hiệu hợp đồng nhưng lại hoạt động trá hình tuyến cố định gây khó khăn cho công tác quản lý.
Quy định thu hồi phù hiệu với xe kinh doanh vận tải khách vi phạm đã áp dụng nhiều năm, nhưng thực tế áp dụng chế tài này thời gian qua không hiệu quả. Đơn cử như trong tháng 10/2023, trên địa bàn cả nước có hàng chục nghìn phương tiện vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu, song tỷ lệ không nộp lại khá lớn. Trước đó, tại TP.Hồ Chí Minh nhà xe Thành Bưởi bị thu hồi phù hiệu hàng trăm lần (246 lần trong 9 tháng) nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.
Theo các chuyên gia, quy định hiện hành có lỗ hổng khiến doanh nghiệp không sợ.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) lý giải, Nghị định 10/2020 quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi phù hiệu, biển hiệu nhưng lại chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc thu hồi bao lâu mới được cấp lại.
Vì thế, hôm nay bị thu hồi song ngày mai doanh nghiệp vẫn có thể xin cấp lại. Bên cạnh đó, một số đơn vị bị thu hồi cố tình không nộp thì cũng không có chế tài buộc họ phải chấp hành.
Chưa kể, việc thu hồi phù hiệu phụ thuộc nhiều vào tính tự giác của đơn vị vận tải. Với các doanh nghiệp không tự giác, nếu chỉ dựa vào sự kiểm tra thủ công của các lực lượng thanh tra, công an thì rất khó xử lý.
Tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 10/2020 lấy ý kiến người dân hồi tháng 9 vừa qua, các đề xuất sửa đổi của GTVT chưa làm rõ được các hành vi vi phạm và chế tài áp dụng, việc cưỡng chế thực hiện xử phạt vi phạm. Tại dự thảo đã hoàn thiện trình Thủ tướng mới nhất đã cụ thể hơn hành vi và chế tài áp dụng, có tính tới yếu tố tăng nặng, đặc biệt với xe vận tải khách hợp đồng, xe du lịch.
Cụ thể, với xe hợp đồng, dự thảo mới bổ sung quy định, loại xe này không được đón/trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên, hoặc từ 10 ngày trở lên trong 1 tháng tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác. Sửa đổi này sẽ dễ dàng áp dụng trên thực tế, thay cho quy định tính theo tỷ lệ phần trăm (%) số chuyến xe, hoặc của 1 xe đón/trả khách cùng 1 địa điểm như dự thảo trước và quy định hiện hành.
Đồng thời cũng quy định rõ: trường hợp vi phạm nội dung trên đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định thu hồi giấy phép với các trường hợp không chấp hành quyết định thanh, kiểm tra hoặc trong thời gian một tháng có từ 30% trở lên số phương tiện bị thu hồi tước phù hiệu, biển hiệu; Không cấp lại giấy phép trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nộp lại đủ giấy phép và phù hiệu, biển hiệu. Trường hợp không nộp sẽ bị cảnh bảo trên hệ thống đăng kiểm và không cấp giấy phép trong thời gian 45 ngày.
Trường hợp tái phạm trong 6 tháng, thời gian thu hồi phù hiệu tăng lên 60 ngày, nếu không chấp hành nộp phù hiệu sẽ bị thu hồi 90 ngày.
Với phương tiện có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên trong một ngày sẽ bị thu hồi ngay (hiện quy định xe vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên tính trên 1.000km trong một tháng mới bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu).
Các giải pháp này nhằm khắc phục lỗ hổng trên, đồng thời, tạo thuận lợi cho việc quản lý hoạt động của các xe hợp đồng, du lịch.