Chuyên mục


Grab thu thêm phí nắng nóng cũng hợp lý!

14/07/2022 11:18 (GMT +7)

Grab muốn khách hàng chi thêm phí cho tài xế chạy ngoài trời giữa cao điểm hè nắng nóng cũng là một cách chia sẻ với người lao động; nhưng bản chất của động thái này tại sao lại bị cho rằng tư lợi trơ trẽn, chính là những câu chuyện cần phải nhìn lại.

Đúng sai thế nào, giải trình trước 18/7

Để trả lời câu hỏi này, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) ngay lập tức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu. Bộ Công Thương yêu cầu cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị.

Đồng thời, cung cấp những thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay như căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe, các thông tin, tài liệu liên quan khác, cung cấp trước ngày 18/7 để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công Thương lên tiếng chỉ sau vài ngày Grab thông báo tăng phụ phí với lý do "Thời tiết nắng nóng gay gắt" dành cho khách hàng đi xe 2 bánh và sau sự phản đối của hầu hết người sử dụng dịch vụ.

Cụ thể, Hà Nội và TP HCM, Grab thu thêm phụ phí nắng nóng 5.000 với mỗi chuyến xe GrabBike  mỗi đơn hàng GrabFood, GrabMart. Còn với dịch vụ GrabExpress là 3.000 đồng một đơn hàng. Tại các thị trường khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế..., Grab tính với các dịch vụ GrabBike và GrabFood tăng đều là 5.000 đồng. Khoản này sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe. 

Grab: Một mực vì khuyến khích lái xe!

Về việc này, đại diện Grab Việt Nam cũng đã cho biết thêm việc thu phụ phí là nhằm "khuyến khích có nhiều tài xế mở app hơn sau nhiều dịp nắng nóng", cho thấy tình trạng thiếu tài xế rất nhiều và người dùng gặp khó trong việc đặt các cuốc xe.

Theo đại diện Grab Việt Nam, mức phụ phí "Thời tiết nắng nóng gay gắt" được cộng trực tiếp vào giá cước, và các shipper thu đúng giá cước hiển thị trên biên nhận chứ không thu thêm từ người dùng.

"Cùng với việc áp dụng phụ phí mới, chúng tôi cũng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhằm gia tăng thu nhập cho các đối tác tài xế như chương trình hỗ trợ thưởng thêm 2% tổng doanh thu chuyến xe hoàn thành trong tuần, chương trình thưởng ngay sau khi hoàn thành mỗi chuyến xe GrabFood hoặc GrabMart", đại diện Grab cho hay.

Grab thu thêm phụ phí nắng nóng 5.000 với mỗi chuyến xe GrabBike.

Grab thu thêm phụ phí nắng nóng 5.000 với mỗi chuyến xe GrabBike.

Phí nắng nóng đối với lao động làm việc ngoài đường là hợp lý! "Nắng nóng tại Hà Nội nhiều hôm gay gắt, tôi cũng rất thông cảm việc tài xế khi phải chạy cả ngày ngoài đường. Thực ra, Grab trên ứng dụng còn có phần tip thêm cho tài khi đánh giá nhưng tôi cũng ít khi sử dụng vì sợ tài xế không được nhận hết. Lúc nào cũng có tiền lẻ trong túi, dù trả tiền cuốc xe trực tiếp qua ví điện tử, tôi cũng gửi thêm cho tài xế. Tuy không bao nhiêu nhưng cũng là một sự chia sẻ cho khó khăn của họ", chị T (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên sử dụng dịch vụ của Grab cho hay.

Như vậy, khoản phí thời tiết này nó có thể sẽ hợp lý nếu như tài xế được hưởng 100% trong trường hợp trời nắng nóng thật sự. Tất nhiên, việc chia sẻ nên cần thêm từ phía doanh nghiệp thông qua một hình thức nào đó. 

Tài xế: Không hay biết?

Tài xế chạy xe 2 bánh Grab không phải ai cũng nhanh nhạy thông tin, nhất là những lao động cao tuổi, ít hiểu về công nghệ, mắt kém. Khi hỏi về phí mới, thu nhập có tăng không, nhiều tài xế còn không biết, không quan tâm, kiểu: "Tôi thấy thu nhập cũng không thay đổi, cũng không biết thông báo ở đâu, nhiều loại phí lắm ai mà biết,..."

Còn người biết thì cho rằng việc phụ thu thêm phí "thời tiết nắng nóng gay gắt" không được thêm là bao, mà tăng giá thì mất khách. Thậm chí, có người tỏ thái độ không hài lòng, bởi đáng ra các tài xế là người được hưởng khoản phí này vì họ là những người trực tiếp chịu cảnh nắng nôi cực nhọc trên đường. 

“Cơ bản là phải giảm chiết khấu, còn 5.000 đồng phụ phí thì không ăn thua. Cũng hơi bực nhưng bực thì cũng không làm được gì. Giờ tăng giá quá thì cũng mất khách. Mà không muốn "ăn dày" thì chỉ có cách đẻ thêm phí thôi. Vừa được tiếng lại vừa được miếng”, tài xế Hùng cho biết. 

Theo quan sát, tỷ lệ ăn chia của hãng và lái xe là 30:70. Tức là lái xe sẽ được nhận 70% doanh thu nhưng sẽ phải chi phí xăng dầu, hao mòn xe, bỏ công sức và thời gian; phía hãng quản lý app sẽ được hưởng 30% với chi phí nhân sự công nghệ số tối ưu gần như rất ít. Khoản phí nắng nóng này nó có thể sẽ hợp lý nếu như tài xế được hưởng 100% trong trường hợp trời nắng nóng thật sự.

Không rõ mức phí cộng thêm này được tính cho tài xế hay cho Grab. Còn nếu cộng vào giá cước ban đầu thì có lẽ là Grab vẫn "ăn chia" với tài xế ở mức tăng thêm. Vậy khi giá cước tăng thêm 5.000 đồng, Grab cũng bỏ túi 1.500 đồng.

Việc "ăn ké" phí của tài xế lần này cũng không khác là mấy việc "ăn không phí" của lao động khi hãng tăng giá cước vì giá xăng tăng mới đây, Theo Bộ GTVT, đầu năm 2022, khi giá xăng dầu tăng, chi phí nhiên liệu đã chiếm tới 40% - 45% chi phí của vận tải đường bộ, thay vì khoảng 30% - 35% trước đây. Theo đó, chi phí xăng xe sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tài xế, còn Grab vẫn chỉ là đơn vị vận hành app, không trực tiếp tiêu thụ xăng. Nên việc tăng cước này làm lợi cho Grab nhiều hơn là tài xế. Và người dùng cuối vẫn sẽ là người gánh chịu toàn bộ chi phí. 

Khách hàng: Bức xúc như bị móc túi, coi thường

Ngay khi Grab thông báo thu thêm loại phụ phí này, nhiều khách hàng bất ngờ và cũng không hài lòng. Trước đó, hãng này cũng tăng giá cước với nhiều lý giải trời mưa, kẹt xe, giờ cao điểm,...Một người dùng tại TP.HCM bức xúc đặt câu hỏi: "Khi tôi đặt một cuốc xe Grab lúc trời đang nắng nóng nhưng đến một địa điểm khác thì trời mát hoặc đổ mưa thì sẽ tính phụ phí như thế nào? Không lẽ cứ đặt xe là thu? Không rõ, Grab dựa vào thời tiết bao nhiêu độ để phụ thu thêm phí này. Bởi, thời tiết ở miền Nam tầm này nắng mưa thất thường".


Grab-2
Nắng nóng thì ai nắng nóng phải được hưởng phụ phí, chứ ai ngồi mát mà lấy phí nắng nóng là điều vô lý. Người tiêu dùng vẫn bức xúc nhưng bây giờ làm được gì đâu, có phản ánh gì thì cũng chỉ như vậy thôi.

Một bạn đọc cho hay

Theo tìm hiểu, trên thị trường ứng dụng gọi xe hiện nay, Grab là đơn vị thu nhiều loại phụ phí nhất, mỗi loại phụ phí có mức giá đến vài ngàn đồng trên mỗi chuyến xe nhưng nếu cộng tất cả lại sẽ ra con số không hề nhỏ.

Năm ngoái, Grab đã tiến hành thu phụ phí giao nhận hàng hóa và thức ăn vào những ngày có thời tiết xấu như mưa, bão với mức 5.000 đồng/cuốc xe và được cộng trực tiếp vào giá cước. Không những thế, Grab còn áp dụng phụ phí ban đêm cho khung giờ từ 22 giờ hôm trước cho đến 5 giờ 59 phút hôm sau, với mức từ 10.000 - 20.000 đồng/cuốc xe, tùy dịch vụ.

Đây là câu chuyện đã diễn ra suốt 1 - 2 năm gần đây nhưng khách hàng vẫn buộc phải sử dụng dịch vụ dẫu chi phí tăng, thời gian chờ đợi xe lâu hơn rất nhiều khi tài xế không nhận cuốc,...Và đương nhiên Grab thừa hiểu điều này nên....

...mà vẫn phải phụ thuộc!

Không thể phủ nhận trong những năm qua, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe công nghệ đặc biệt là Grab đã mang đến bước chuyển mình ngoạn mục cho ngành vận tải Việt Nam. Minh bạch thông tin, giá cước, người tiêu dùng không còn khốn khổ chịu cảnh taxi đi lòng vòng “ăn tiền”, thái độ thiếu văn minh, bất lịch sự như trước. Quan trọng nhất là giá cước đặt xe qua các ứng dụng công nghệ thấp hơn so với taxi truyền thống do kết nối tài xế và hành khách có nhu cầu thông qua ứng dụng; và các doanh nghiệp này không phải chịu nhiều chi phí như mô hình của taxi truyền thống. Phần chi phí tiết kiệm này được giảm trực tiếp vào giá thành, khiến người tiêu dùng có được mức giá hợp lý hơn.

Cũng được coi là "gà đẻ trứng vàng" bởi những doanh nghiệp này khi mới ra mắt đã đem lại thu nhập hấp dẫn cho lượng lớn lao động chân tay với mức 8 - 12 triệu/ tháng, và thậm chí lên tới 20tr với xe 4 bánh. 

Tài xế Grab công khai thu nhập hơn 60 triệu và người chạy GrabBike 4 năm mua được ô tô,..

Tài xế Grab công khai thu nhập hơn 60 triệu và người chạy GrabBike 4 năm mua được ô tô,..

Đáng lẽ những tiện ích mà taxi công nghệ đem lại trong thời gian qua có thể lấy lòng được người tiêu dùng, nhưng cho tới hiện tại doanh nghiệp taxi lớn này lại rơi vào "khủng hoảng" khi lái xe bỏ nghề vì thu nhập thấp, còn khách hàng thì ức chế và xoá app. 

Nhìn lại kỳ kinh doanh 2014 - 2016, Grab có doanh thu 1.755 tỷ đồng nhưng tổng số thuế kê khai, nộp Ngân sách Nhà nước (NSNN) chỉ là chưa đầy 10 tỷ đồng. Sau thanh tra, doanh nghiệp này nộp thêm 2,9 tỷ đồng, nâng tổng số thuế nộp vào NSNN trong suốt ba năm lên mức hơn 13 tỷ đồng. Để tránh lỗ hồng thuế mượn danh doanh nghiệp mới, nghị định 126/2020/NĐ-CP ra đời để tiếp nối Nghị định 10/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế.

Theo đó, đối với việc xử lý thuế trong hoạt động vận tải hành khách, Nghị định 126 buộc các hãng taxi công nghệ về đúng với bản chất hoạt động kinh tế, tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho taxi truyền thống và taxi công nghệ. Ngay sau đó, Grab đã tính theo cách mới của Nghị định 126 (điểm c khoản 5 Điều 7), khi tài xế hoàn thành 1 cuốc xe, Grab phải kê khai, nộp thuế GTGT với mức 10% đối với toàn bộ doanh thu, còn tài xế sẽ chỉ bị khấu trừ 1,5% thuế TNCN, mà không phải nộp thêm khoản thuế 3% thuế GTGT đối với phần thu của cá nhân mình nữa.

Tài xế Grab tập trung trước trụ sở của Grab sáng 7/12/2020 để phản đối mức khấu trừ mới mà hãng này áp dụng

Tài xế Grab tập trung trước trụ sở của Grab sáng 7/12/2020 để phản đối mức khấu trừ mới mà hãng này áp dụng

Grab không ký hợp đồng lao động với tài xế chỉ ký thoả thuận tỷ lệ phân chia phí dịch vụ thông qua hoạt động cung cấp và quản lý công nghệ. Khi Nghị định 126 có hiệu lực, buộc Grab phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, Grab lại mạnh tay chuyển VAT sang các tài xế, áp giá trị VAT lên các tài xế công nghệ. 

Tỷ lệ chiết khấu tài xế sau này tính lên Grab Car 28,375% lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, còn GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%. Trước đó, mức chia cũng đã giảm dần từ 85% xuống 80% và hiện nay khoảng 70% tổng doanh thu cước.  Tính đến hiện tại, sau ngày 1/2 Chính phủ áp dụng chính sách giảm 2% Thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải như sau

z3559775178114_c91e7daae16c1587c36d1492722e1d21

Cũng ngay sau đó, Grab ra thông báo tăng giá bán dịch vụ. Tiếp tục, không thừa nhận mình là đơn vị kinh doanh vận tải, không chịu sự chi phối như các hãng taxi truyền thống về việc đưa ra giá bán, đăng ký giá bán với Sở Công thương.

Xế ít, đồng nghĩa thời gian chờ đợi của khách hàng cho một lượt gọi xe bị kéo dãn ra, chưa kể nhiều ứng dụng mới xuất hiện nên kén người dùng cũng không khả quan, vì thói quen tiêu dùng nên kết quả là khách hàng cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài Grab. Grab lại đánh vào quan hệ thuận mua vừa bán, do giá cả trên thị trường hoàn toàn do thị trường quyết định, cơ quan thuế không có chức năng quản lý việc này. Các hãng cạnh tranh nhau, từ đó khiến cho hãng phải tự điều chỉnh mức giá phù hợp. 

Nhìn ngược lại vấn đề, phụ thu thêm nhiều loại phí, nhưng khách hàng có lẽ vẫn phải sẵn sàng chi thêm, bởi thời điểm hiện tại, để bắt một cuốc xe công nghệ là rất gian nan. Người dùng đều thừa nhận gọi xe công nghệ thì Grab cho tỷ lệ nhận xe là cao hơn. Ở những thời điểm thời tiết không thuận lợi, việc bắt một cuốc xe từ Grab dù là 2 bánh hay 4 bánh vẫn cho thời gian chờ và nhận cuốc nhanh hơn.

Tình trạng khó bắt xe không chỉ xảy ra ở những hãng mới như Gojek. Một tài xế chạy GrabBike nhiều năm cho biết lượng xe thuộc đơn vị Grab là đông hơn rất nhiều so với các hãng còn lại.

Với tài xế công nghệ, những khoản phụ phí không đem lại nhiều thu nhập, nhưng khoản thưởng hoạt động cuối ngày từ ứng dụng rất quan trọng. Đây được xem như một trong những nguồn thu chính giúp tài xế cải thiện thu nhập cũng như bù đắp vào chi phí nhiên liệu, ăn uống hàng ngày.

Tại Hà Nội, tài xế beBike có mức thưởng tối thiểu 25.000 đồng và tối đa 250.000 đồng vào các ngày trong tuần. Trong khi đó tài xế GrabBike được thưởng ít nhất 40.000 đồng và cao nhất là 360.000 đồng. Do vậy nhiều tài xế cũng chọn Grab nhiều hơn, bởi số tiền thưởng hấp dẫn hơn hẳn các hãng còn lại. Tuy nhiên, muốn đạt được số tiền thưởng này rất khó, vì chỉ một lỗi nhỏ các tài xế mắc phải, cũng sẽ bị trừ hết các khoản thưởng của cả ngày. Khoản thưởng khó lấy, tăng cước khách chần chừ không đi, hành vi gián tiếp "móc túi" khách hàng này, tạo áp lực dồn hết lên vai của tài xế.

Thời gian làm việc nhiều với đồng lương ít ỏi, các tài xế Việt Nam không chấp nhận sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống và mức thu nhập không phù hợp. Việc khó gọi xe thời gian gần đây, nguyên nhân là do các tài xế taxi công nghệ đã đồng loạt tắt ứng dụng và tập trung tại các văn phòng của những hãng gọi xe để yêu cầu mức chiết khấu tốt hơn, quyền lợi, các nhu cầu an sinh xã hội các khoản thưởng khác để phù hợp với mức sống "bon chen" tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, nhiều người trong số họ chuyển sang các công việc khác để kiếm tiền.

Đa số đều cho rằng, thu nhập từ lái xe công nghệ hiện nay không thể kiếm sống. Một cựu tài xế taxi công nghệ vừa nghỉ việc cho biết, anh kiệt sức vì phải làm thêm nhiều giờ. “Tôi phải làm việc từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới có đủ tiền trang trải.”

Thu nhập tài xế giảm sút, việc tăng giá cước bù đắp khoản hao hụt tưởng chừng hợp lý nhưng thực tế tiền vẫn "chảy về túi" của các doanh nghiệp. Cả tài xế và hành khách đều gặp khó khăn vì chi phí tiêu dùng cao hơn thì phía ứng dụng đặt xe lại "kiếm thêm" từ sự khó khăn cho dù không thuộc đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp.

Gian lận thuế, bóc lột lao động, "móc túi" người dùng, coi thường pháp luật,...có lẽ là những tính từ không hẳn đúng bản chất đối với một doanh nghiệp từng đem lại nhiều giá trị tiện ích cho người dùng. Nhưng phí nắng nóng của Grab đúng là "giọt nước tràn ly" để nhìn lại thái độ lộng hành của một cá mập ngoại tại thị trường Việt Nam, năng lực của doanh nghiệp taxi nội địa, lợi ích của xã hội,...để đi nhanh hơn nữa trên chặng đường công nghệ 4.0 và 5.0.

 

Nguyên Ý
Hà Nội: Tìm nhà thầu xây cầu vượt nút giao Đường tỉnh 427 với Quốc lộ 1A
Dự án cầu vượt nút giao Đường tỉnh 427 với Quốc lộ 1A hoàn chỉnh hướng tuyến mới của đường 427 theo quy hoạch, giúp kết nối với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ một cách thuận lợi, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Chấn chỉnh công tác quản lý vận tải ô tô tại địa phương
Thanh tra Bộ GTVT vừa báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch 12882 ngày 14/11/2023 của Bộ GTVT về kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cứ mỗi phút có 5 chiếc xe máy được mua
Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, lượng xe máy mới bán ra trong quý I năm 2024 đạt trên 603.000 chiếc, giảm gần 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cái bắt tay nửa tỷ USD trong ngành hàng không
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Trung Quốc và nhân kỷ niệm 30 năm đường bay Việt Nam – Trung Quốc, trong các ngày từ 9 - 12/4, Vietnam Airlines ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác Trung Quốc với tổng giá trị gần 450 triệu USD.

Tăng chuyến bay đi từ 2 thành phố lớn dịp Lễ 30/4-1/5
Đây là yêu cầu được lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam vừa đưa ra đối với các hãng hàng không Việt Nam trong cuộc họp về tình hình tải cung ứng và việc bán vé trên các chặng bay nội địa dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5.

Kỷ lục lạ của nhà thầu Sao Vàng
Mặc dù trượt tới 50 gói thầu, chủ yếu không đảm bảo về tiêu chí đánh giá kỹ thuật, nhưng nhờ đáp ứng các chỉ tiêu "khó" từ bên mời thầu CTCP AFC Nguyên Linh, Nhà thầu Sao Vàng đã vượt qua nhiều "đối thủ" cạnh tranh...

Sửa đổi Nghị định quản lý, khai thác sân bay
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành văn bản hợp nhất về Nghị định quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.