Dự báo lợi nhuận ngành hàng không cuối năm
Hai vấn đề lớn nhất để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã được các hãng bay cơ bản thực hiện hiệu quả: Tái cơ cấu và tăng tần suất phục vụ hành khách. Dù nỗ lực tăng doanh thu, nhưng lợi nhuận không bứt phá, đang ảnh hưởng đến những kế hoạch phát triển dài hạn của ngành hàng không.
Chưa thấy tín hiệu lạc quan về lợi nhuận 2023
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 10/2023, tổng thị trường hành khách hàng không đạt 5,4 triệu khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng vận tải hành khách quốc tế đạt 2,6 triệu khách, tăng 69% so với tháng 10/2022.
Đúng như dự báo của giới chuyên gia kinh tế, năm 2023 cũng ghi dấu ấn khi doanh thu của các hãng hàng không khởi sắc trở lại. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mới công bố cho thấy, tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 23.753 tỷ đồng, tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức doanh thu kỷ lục này về gần mức thu bình quân mỗi quý năm 2019 trước khi có đại dịch.
Vietravel Airlines sau nhiều năm chật vật “bơi trong dịch bệnh”, mới đây hãng bay này cũng báo doanh thu tính đến hết tháng 9/2023 tăng trưởng 30% so với giai đoạn 09/2022. Vietjet mới đây cũng công bố doanh thu quý III/2023 tăng lên 14.200 tỷ đồng một phần nhờ nguồn thu phụ trợ và bán đồ ăn trên máy bay.
Sự tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp hàng chưa phản ánh hết xu thế hồi phục của thị trường vận tải hành khách nói chung và hành vận tải đường hành không nói riêng. Tuy nhiên, sự biến chuyển của lợi nhuận mới là vấn đề khiến các lãnh đạo hãng bay “đau đầu”. Chi phí tăng mạnh hơn khiến cho các doanh nghiệp chưa thể bù lỗ luỹ kế trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài hoặc lợi nhuận tăng không tương xứng với doanh thu cũng như lưu lượng hành khách di chuyển trong năm 2023.
Đơn cử như tại Vietnam Airlines - hãng hàng không quốc gia là một trong những đơn vị điển hình tái cơ cấu hiệu quả và dứt khoát với hàng loạt giải pháp như: Cắt giảm chi phí, tái cơ cấu các khoản đầu tư…Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính riêng, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của công ty dù đã cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn âm 1.760 tỷ đồng. Bamboo Airways ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 76,9% so với cùng kỳ năm 2022 (theo BCTC quý 3/2023 vừa công bố). Ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ nhưng lợi nhuận của Vietravel Airlines cũng ở mức khiêm tốn, Vietjet cũng vẫn không đẩy tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư cao lên do gánh giá vốn và hàng các chi phí đều tăng 30 - 230%.
Theo CNBC, các hãng hàng không lớn như Delta Airlines, American Airlines đều đã hạ dự báo lợi nhuận quý cuối năm do ảnh hưởng từ giá nhiên liệu liên tục tăng cao, làm gia tăng chi phí hoạt động. Để đảm bảo hoạt động kinh doanh, nhiều hãng hàng không trên thế giới buộc phải xem xét nhiều phương án cân đối chi phí, trong đó có phương án tăng giá vé.
Tờ Financial Times nhận định, giá vé trên nhiều đường bay tăng đáng kể trong năm 2023 so với mức trước đại dịch. Dựa trên số liệu mới nhất từ công ty theo dõi ngành hàng không Cirium, giá vé trung bình trên hơn 600 đường bay bận rộn nhất thế giới đã tăng với tốc độ hàng năm là 27,4% tính đến tháng 2/2023. Thực trạng tốc độ tăng trưởng duy trì mức hai con số này đã kéo dài trong 15 tháng liên tiếp. Mặc dù tăng giá vé để đáp ứng việc chi phí đầu vào biến động, song lợi nhuận của các hãng hàng không trong giai đoạn cuối năm 2023 dự báo đi ngang.
Doanh nghiệp cần thêm động lực cho những mục tiêu dài hạn
Qua 2 năm đại dịch nhưng thực tế các hãng vẫn gặp các áp lực trong việc hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó kèm mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian qua. Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với các hãng bay trong nước những tháng cuối năm 2023 vẫn là việc giá nhiên liệu đang có xu hướng tăng mạnh. Yếu tố lãi suất, tỷ giá (tỷ giá các đồng bản tệ và VND so với USD) và nhiều yếu tố đầu vào khác đều đã ở mặt bằng cao hơn, gây bất lợi đáng kể cho các hãng bay Việt so với giai đoạn trước COVID-19. Những yếu tố này chắc chắn sẽ chất thêm gánh nặng tài chính cho các hãng bay trong năm 2023.
Xung đột địa chính trị giữa Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu liên tục biến động mạnh, có thời điểm tăng gấp đôi trước dịch. Trong cơ cấu chi phí, giá nhiên liệu thường chiếm khoảng 25-28% chi phí khai thác của các hãng hàng không. Tuy nhiên, khi giá nhiên liệu tăng cao đã đẩy chi phí nhiên liệu lên 36-38% tổng chi phí khai thác, thậm chí ở mức cao hơn nhiều trong cơ cấu chi phí của các Hãng hàng không hoạt động theo mô hình hàng không chi phí thấp (LCC).
Cập nhật theo dữ liệu của các hãng bay cho thấy, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2019 (thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu) đã tăng tới 66%, từ mức giá 64,34 USD/thùng trung bình năm 2019 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023.
Giá nhiên liệu biến động tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngành hàng không. Theo phân tích của hãng hàng không Vietnam Airlines, ước tính giá nhiên liệu bay chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng có thể tác động chi phí nhiên liệu năm 2023 tăng/giảm tương ứng khoảng 224 tỉ đồng,
Bên cạnh giá nhiên liệu tăng cao, biến động tỷ giá USD/VND trong năm 2023 cũng dẫn đến chi phí đầu vào tăng. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ giá đã tăng 9% từ 21.900 VND/USD bình quân năm 2015 lên 23.900 VND/USD bình quân năm 2023. Với đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới, biên độ chênh lệch tỷ giá USD/VND trong nước tính ra con số không đáng kể nhưng lại gây áp lực lớn lên giá vé máy bay, đặc biệt đối với giá vé máy bay nội địa được định vị bằng VND và không có phụ thu nhiên liệu. Vietnam Airlines cho biết, giá vé nội địa trung bình năm 2023 của hãng thấp hơn 11% so với thời điểm trước dịch 2019.
Chi phí vận chuyển hàng không có 70% là chi phí bằng ngoại tệ trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VNĐ. Một chênh lệch nhỏ của tỷ giá USD với VND cũng hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không.
Theo ước tính của Vietnam Airlines, nếu tỷ giá USD/VND cuối năm 2023 chỉ cần tăng 1% so với kế hoạch dự kiến hạch toán sẽ làm giảm lợi nhuận của hãng khoảng 200 tỷ đồng do đánh giá lại nợ phải trả dài hạn gốc USD.
Không chỉ tỷ giá USD/VND tăng mà các đồng bản tệ ở các thị trường trọng điểm của du lịch vào Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc đều tăng dẫn đến hiệu quả thực của các Hãng hàng không giảm đáng kể, thậm chí không có lãi mặc dù hệ số lấp đầy khá cao.
Các yếu tố trên khiến cho chi phí đầu vào tăng mạnh, doanh nghiệp hàng không khó cân bằng bài toán thu chi. Dòng tiền và lợi nhuận chậm cải thiện ảnh hưởng đến việc tăng số lượng máy bay, mở rộng thị trường khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng tăng. Ví dụ, các hãng hàng không trong giai đoạn này liên tục cần tăng số lượng máy bay, mở rộng mạng đường bay nội địa và quốc tế, đẩy mạnh thị trường mục tiêu, tăng vốn... nâng uy tín trên thị trường quốc tế.
Bối cảnh khó khăn này khiến các doanh nghiệp không còn nhiều nguồn lực cho khuyến mại, giảm giá vé hút khách. Như vậy, để doanh nghiệp ngành hàng không chủ động kiểm soát biến động chi phí và làm sáng hơn bức tranh lợi nhuận đòi hỏi các giải pháp tổng thể từ chính doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành.