Diễn biến mới Dự án xây đường băng thứ 2 sân bay Long Thành
ACV vừa trình Bộ GTVT thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đề xuất, sẽ có 2 hạng mục chính. Hạng mục thứ nhất giá trị đầu tư khoảng 3.456 tỷ đồng. Gồm: xây dựng thêm một đường cất hạ cánh (đường cất hạ cánh số 2) song song với đường cất hạ cánh số 1 có chiều dài 4.000 m (05L/23R); hệ thống đường lăn song song, hệ thống các đường nối; hệ thống đèn tín hiệu, biển báo; hệ thống trang thiết bị quản lý bay và các công trình khác đồng bộ để đảm bảo khai thác. Hạng mục thứ hai nằm trong phạm vi dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành là san nền khu vực nhà ga hành khách T3 có diện tích khu vực san nền khoảng 181 ha, giá trị đầu tư sơ bộ khoảng 1.956 tỷ đồng.
Khu vực xây dựng đường cất hạ cánh số 2 nằm hoàn toàn trong phạm vi đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là 1.810 ha, đã được giải phóng mặt bằng. Phần diện tích này đã được ACV nhận bàn giao triển khai dự án giai đoạn 1 và cũng đã hoàn thành công tác thi công san nền, thoát nước giai đoạn 1.
Khu vực san nền nhà ga hành khách T3 được thực hiện trên khu đất giai đoạn sau của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với khoảng 181 ha đã được giải phóng mặt bằng và đang được UBND tỉnh Đồng Nai quản lý, khai thác, sử dụng.
ACV đề xuất tách dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 thành 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 - xây dựng đường cất hạ cánh số 2 do ACV làm chủ đầu tư, sử dụng vốn tự có. Dự án thành phần 2 - san nền khu vực nhà ga hành khách T3, dùng vốn đầu tư công do Bộ GTVT làm chủ quản đầu tư.
Về tiến độ, ACV dự kiến đưa vào khai thác đường cất hạ cánh số 2 từ quý 1/2027. Lãnh đạo ACV cho biết, sau khi đường cất hạ cánh số 2 hình thành (năm 2026), Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có 2 đường cất hạ cánh song song, tương tự các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng, gồm đường cất hạ cánh số 1 phục vụ chủ yếu cho hoạt động cất cánh, đường cất hạ cánh số 2 phục vụ chủ yếu cho hoạt động hạ cánh.
Với khung giá phí cất hạ cánh hiện nay, thì thời gian hoàn vốn chậm nhất là 35 năm trong trường hợp tần suất hoạt động của đường cất hạ cánh số 2 chiếm tỷ lệ thấp nhất là 15% trên tổng lượt cất hạ cánh. Trường hợp tần suất 50%, thời gian hoàn vốn của dự án được rút ngắn xuống còn 7 năm.
Hiện nay, theo kế hoạch nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh số 1 có thể hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2026. Công suất của dự án là 25 triệu lượt hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm - tương tự một số cảng hàng không lớn trong nước như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.
Trên cơ sở phương án phân chia khai thác giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sản lượng hành khách quốc tế khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ chiếm hơn 80% tổng sản lượng hành khách quốc tế của cả hai cảng. Vì vậy, theo ACV, việc xem xét xây dựng đường cất hạ cánh số 2 Cảng hàng không quốc tế Long Thành là hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác, đảm bảo an toàn trong khai thác và phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư trong giai đoạn 1.