Kết nối TPHCM với sân bay Long Thành bằng tàu thủy cao tốc
Theo đề xuất, tuyến tàu cao tốc xuất phát từ bến Bạch Đằng (TPHCM) đến bến du thuyền SwanBay (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), cự ly 22km, thời gian di chuyển từ 35 đến 45 phút.
Đây là nội dung nêu trong dự thảo góp ý phương án chở khách bằng đường thủy đến sân bay, được Sở GTVT thành phố lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Việc này nhằm tăng kết nối đến Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai với TPHCM khi sân bay dự kiến hoàn thành năm 2026.
Qua khảo sát, trên cơ sở ý kiến thống nhất của đoàn khảo sát, Sở GTVT TPHCM tổng hợp đề xuất một số phương án như sau:
Phương án 1: Vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc từ bến tàu Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) đến bến du thuyền SwanBay (Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Với phương án này, thời gian di chuyển bằng đường thủy sẽ ngắn hơn so với phương án đến bến du thuyền Aqua City và bến Long Tân thuộc tỉnh Đồng Nai.
Thời gian di chuyển bằng đường bộ ngắn hơn hơn so với Bến du thuyền Aqua City. Đường bộ kết nối đến sân bay Long Thành sẵn có (thông qua Lý Tự Trọng, Nguyễn Hữu Cảnh, ĐT.769C (25B), quốc lộ 51), trong tương lai sau khi đoạn đường Vành đai 3 từ Cao tốc Long Thành - Dầu Giây qua sông Đồng Nai giao với Cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ 5 - 10 phút so với tuyến đường hiện có. Ngoài ra, có thể kết hợp để hành khách đến tham quan sản phẩm du lịch tại khu vực bến du thuyền tại Đồng Nai, phát triển du lịch đường thủy.
Phương án 2: Vận chuyển hành khách, ô tô bằng bến khách ngang sông từ Bình Khánh, Nhà Bè qua Nhơn Trạch, Đồng Nai (xây dựng mới cầu bến phía Nhơn Trạch, Đồng Nai và đầu tư khoảng 500 m đường vào bến).
Theo Sở GTVT TPHCM, lý do chọn phương án này là để giúp người dân sống ở khu vực phía Nam, Đông Nam thành phố di chuyển đến sân bay Long Thành thuận lợi. Kết nối đường bộ qua đường Phạm Thái Bường, đường ĐT.769D (25C) đến sân bay khoảng 25 km, thời gian di chuyển từ 40-45 phút. Vị trí dự kiến đầu tư xây dựng mới cầu bến phía Nhơn Trạch, Đồng Nai kết nối đường bộ thuận lợi hơn so với vị trí hiện hữu tại bến khách ngang sông Phú Xuân - Phước Khánh.
Phương án 3: Tăng công suất khai thác phà Cát Lái hiện hữu. Sở GTVT TPHCM cho rằng lý do chọn phương án này là giúp người dân sống ở khu vực phía Đông TPHCM di chuyển đến sân bay Long Thành được thuận lợi trong thời gian chưa triển khai xây dựng cầu Cát Lái. Lúc này, người dân có thể kết nối đường bộ thông qua đường ĐT.769D (25C) đến sân bay Long Thành khoảng 30 km, thời gian di chuyển 45-50 phút.
Ngoài phương án tăng kết nối đường thuỷ, Bộ Giao thông Vận tải đang tính toán mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác hai năm tới.
TP HCM và Đồng Nai bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Hiện, kết nối giao thông giữa hai địa phương chủ yếu qua đường bộ, thông qua 3 trục chính là quốc lộ 1, quốc lộ 1K (qua địa phận tỉnh Bình Dương) và cao tốc Long Thành. Tuy nhiên, các tuyến này đang quá tải. Sắp tới, giữa hai địa phương sẽ thêm các cây cầu kết nối, trong đó hai cầu đang xây dựng là Phước Khánh trên cao tốc Bến Lức - Long Thành và Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3.
Ngoài những công trình trên, ba cây cầu khác cũng dự kiến sẽ triển khai, gồm cầu Cát Lái và hai cầu nối từ TP Thủ Đức sang huyện Long Thành; quận 7 nối sang Nhơn Trạch.