Đề xuất thêm vốn làm cầu Rạch Miễu 2
Tổng mức đầu tư tăng được chủ đầu tư lý giải do diện tích giải phóng mặt bằng dự án tăng thêm 3 ha, số hộ tái định cư phát sinh thêm gần 40 hộ. Giá đất bồi thường tỉnh Tiền Giang tăng từ 8 triệu lên hơn 26 triệu/m2; giá đất tỉnh Bến tre có đơn giá và hệ số tăng gấp 6-20 lần.
Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2, vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án này theo hướng tăng vốn từ 5.200 tỷ đồng lên 6.800 tỷ đồng, đồng thời, lùi thời gian hoàn thành đến năm 2026.
Theo Ban Mỹ Thuận, do diện tích giải phóng mặt bằng dự án tăng thêm 3 ha, số hộ tái định cư phát sinh thêm gần 40 hộ. Bên cạnh đó, giá đất bồi thường ở tỉnh Tiền Giang tăng từ 8 triệu đồng/m2 lên hơn 26 triệu đồng/m2; giá đất tỉnh Bến tre có đơn giá và hệ số tăng gấp 6 - 20 lần.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng, đến nay, phía tỉnh Bến Tre đã bàn giao được khoảng 83%, tức đạt 7,9 km/9,65 km; trong khi đó, phía Tiền Giang mới chỉ bàn giao được 46%, tức đạt 3,6 km/7,9 km.
Trong tổng số sáu gói thầu của dự án cầu Rạch Miễu 2, ba gói thầu là XL04, XL05 và XL06 đã khởi công vào tháng 8/2022 và đã đạt 23% tổng khối lượng, cơ bản đáp ứng tiến độ. Ba gói còn lại là XL01, XL02 và XL03 còn đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu và dự kiến sẽ khởi công trong quý I/2023 này khi nhận được mặt bằng.
Ban Mỹ Thuận cũng kiến nghị xin lùi thời gian hoàn thành qua năm 2026, thay vì theo đúng kế hoạch là năm 2025, chậm hơn một năm. Nguyên nhân là do đất dự án đi qua (đường dẫn) là đất đồng bằng, nền đất yếu nên việc gia cố nền cần có thêm thời gian.
Trước đó, tháng 12/2022, Ban Mỹ Thuận đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT tiến hành điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 5.175 tỷ đồng lên 6.358,82 tỷ đồng, tăng 1.183,69 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Trước kiến nghị này, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Mỹ Thuận làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc dẫn đến tổng mức đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 tăng 1.183 tỷ đồng.
Lý giải việc xin điều chỉnh tăng vốn này, chủ đầu tư cho biết hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cho rằng phần tăng nhiều nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, tính đến thời điểm này, chi phí giải phóng mặt bằng phía Tiền Giang tăng thêm 827 tỷ đồng và phía Bến Tre tăng thêm 355 tỷ đồng. Điều này được lý giải là do áp dụng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm lập phương án bồi thường tăng từ 6 đến 20 lần.
Khảo sát tiến độ cầu ngày 15/02/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác thực hiện các gói thầu tư vấn và đấu thầu, đấu giá bảo đảm đúng quy định, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, thông thầu, bán thầu.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, phía Tiền Giang đã đề xuất phát sinh tăng thêm 1.257 tỷ đồng, tỉnh Bến Tre phát sinh tăng thêm 356 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban Mỹ Thuận mới chỉ đề xuất tăng chi phí đầu tư lên 1.183 tỷ đồng và theo quy định thì Bộ phải trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 5.175 tỷ đồng lên 6.358 tỷ đồng.
Như vậy, đây là lần đề xuất tăng vốn lần thứ hai của chủ đầu tư mà nguyên nhân chủ yếu là giải phóng mặt bằng ở cả hai địa phương dự án và giá vật liệu.
Cũng tại buổi làm việc ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành dự án cầu Rạch Miễu vào tháng 10/2025, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch.
Được biết, Cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng tại vị trí cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8 km về phía thượng lưu. Chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6 km (chiều dài các cầu dẫn khoảng 2 km, rộng 20,5 m; cầu vượt luồng chính sông Tiền được thiết kế cầu dây văng nhịp chính dài 270 m, mặt cầu rộng 17,5 m). Quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ); vận tốc thiết kế 80 km/h.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ tạo không gian phát triển mới phía TP.Mỹ Tho và TP.Bến Tre, giảm áp lực kẹt xe cho cầu Rạch Miễu hiện tại.