Sớm khởi công cầu Rạch Miễu 2
Bộ GTVT yêu cầu tỉnh Bến Tre và Tiền Giang trong quý I/2022 phải đẩy nhanh tiến độ, linh hoạt, rút ngắn thủ tục bàn giao mặt bằng cho các gói thầu thuộc dự án.
Ngày 17/2, Bộ GTVT có buổi làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre về công tác giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng dự án cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, cầu Rạch Miễu 2 đang là nhu cầu bức thiết để giải quyết tình trạng kẹt xe gây ách tắc giao thông cầu Rạch Miễu hiện hữu, nhất là trong các dịp lễ, tết. Bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt để triển khai nhanh các thủ tục để dự án sớm được thực hiện.
Về công tác giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường tái định cư cần xem lại thủ tục, giải quyết đúng quy định. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phối hợp 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang thống nhất về cách làm phù hợp nhằm giảm bớt thủ tục không cần thiết.
Bộ yêu cầu tỉnh Bến Tre và Tiền Giang trong quý I/2022 phải đẩy nhanh tiến độ, linh hoạt, rút ngắn thủ tục bàn giao mặt bằng cho các gói thầu. Đặc biệt, lưu ý các gói thầu khởi công trước, vị trí nào cần xử lý thiết yếu thì tập trung giải quyết để ưu tiên bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trước. Dự kiến công trình sẽ khởi công vào cuối tháng 3/2022.
Công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được giao là đơn vị quản lý dự án.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT), khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án đã đạt khoảng 62,38 ha. Trong đó, địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 26,56 ha và địa phận tỉnh Bến Tre khoảng 35,82 ha. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.279 tỷ đồng.
Hiện, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành đo đạc hiện trường. Các đơn vị liên quan đang đẩy nhanh công tác kiểm đếm, dự thảo phương án, công khai phương án đến người dân.
Cầu Rạch Miễu 2 nằm cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8 km về phía thượng lưu, phần cầu chính vượt sông Tiền. Tổng chiều dài tuyến khoảng 17,6 km.
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.279 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị trên 3.030 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án, dự phòng và chi phí khác.