Làm rõ nguyên nhân "đội vốn" ở cầu Rạch Miễu 2
Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận có trách nhiệm phối hợp với các địa phương làm rõ nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí giải phóng mặt bằng (làm rõ việc tăng do khối lượng, đơn giá, các nguyên nhân khác...) để xác định rõ trách nhiệm từng chủ thể liên quan.
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư Dự án xây cầu Rạch Miễu 2, nối Tiền Giang - Bến Tre) kiểm điểm; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Tiền, có tổng chiều dài tuyến khoảng 17,5km. Điểm đầu giao cắt giữa Quốc lộ 1 với đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối với Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông (Thành phố Bến Tre). Cầu có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế là 80km/h. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025.
Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp với các địa phương làm rõ nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí giải phóng mặt bằng (làm rõ việc tăng do khối lượng, đơn giá, các nguyên nhân khác...) để xác định rõ trách nhiệm từng chủ thể liên quan.
Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cũng được giao hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh bảo đảm tuân thủ quy định tại Điều 53 Luật Xây dựng, Điều 30 Luật Đầu tư công và các tài liệu liên quan theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ, trình Bộ GTVT để triển khai các thủ tục tiếp theo.
Hiện tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cầu Rạch Miễu 2 rất chậm. Trong đó, tỉnh Tiền Giang mới bàn giao mặt bằng sạch được 26%, Bến Tre được 70%.
Trước đó, Ban QLDA Mỹ Thuận có báo cáo gửi Bộ GTVT, kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu dự án cầu Rạch Miễu 2 đến tháng 12/2022 là 6.358,82 tỷ đồng, tăng 1.183,69 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt vào tháng 11/2022 là 5.175,127 tỷ đồng.
Lý do tổng mức đầu tư cầu Rạch Miễu 2 tăng là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng khoảng 1.183 tỷ đồng so với khung chính sách về bồi thường, tái định cư đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 8/2021. Trong đó, tỉnh Tiền Giang tăng hơn 827 tỷ đồng, tỉnh Bến Tre tăng hơn 356 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, trên cơ sở áp dụng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất đã được UBND 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang phê duyệt, đơn giá bồi thường về đất (theo giá trị trường bình quân trong 2 năm gần đây) tại thời điểm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng từ 6 đến 20 lần tùy theo tuyến đường, địa bàn, vị trí thửa đất, loại đất cụ thể; tăng cao so với đơn giá bồi thường tại thời điểm tư vấn khảo sát giá để lập Khung chính sách.
Chưa kể, chi phí xây dựng, thiết bị cũng tăng 541,92 tỷ đồng do biến động giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến giá dự toán và giá trị gói thầu của các gói thầu xây lắp, giá các vật liệu đá, sắt thép tăng khoảng 15- 20%, giá xi măng tăng 10%-12% so với thời điểm lập dự án đầu tư.
Đặc biệt giá xăng dầu và giá cát (2 nguồn vật liệu có tỷ trọng lớn nhất trong dự án) có giá vật liệu biến động mạnh, tỷ lệ tăng giá trung bình từ 25-30% so với thời điểm lập dự án đầu tư.