Đề xuất "chữa cháy" nhu cầu giao thông tĩnh
UBND TP. Hà Nội có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị xem xét, thống nhất tiếp tục tạm thời trông giữ xe tại 4 gầm cầu: Chương Dương, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch để phục vụ nhu cầu của người dân và giải quyết vấn đề giao thông tĩnh hiện tại.
Góp phần giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh cấp bách
Theo UBND TP. Hà Nội, từ tháng 6/2020 đến nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép sử dụng tạm thời tại 3 gầm cầu Chương Dương, Mai Dịch, ngã tư Vọng làm bãi giữ xe. Với gầm cầu Vĩnh Tuy, từ tháng 9/2010, UBND TP. Hà Nội có quyết định giao Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tiếp nhận, quản lý phần diện tích làm bãi đỗ xe, góp phần giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố theo quy định và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Cũng theo UBND TP. Hà Nội, trong thời gian tạm thời sử dụng khu vực 4 gầm cầu để trông giữ phương tiện giao thông, các đơn vị gồm: Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và Công ty cổ phần Đồng Xuân chấp hành tốt phương án sử dụng đối với các vị trị dưới các gầm cầu để trông giữ tạm thời phương tiện và các quy định của pháp luật có liên quan.
Trước đó, trong văn bản số 2392/BGTVT-KCHT ngày 17/3/2020 của Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn thành phố nêu rõ nội dung: "UBND TP. Hà Nội lưu ý một số vấn đề về xây dựng phương án sử dụng gầm cầu, gầm đường trên cao phù hợp với phương án tổ chức giao thông; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cháy, nổ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện, công trình kết cấu hạ tầng giao thông cũng như hoạt động giao thông trên tuyến đường; thời gian cho phép triển khai thực hiện không quá 2 năm theo Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ".
Đến ngày 5/4/2022 Chính phủ ban hành nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Nghị quyết không còn nội dung "rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe".
Do đó, để tiếp tục giải quyết một phần nhu cầu để phương tiện của nhân dân trong khu vực góp phần giảm áp lực giao thông tĩnh, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc trong khu vực nói riêng và trên địa bàn thành phố nói chung, trong khi UBND TP. Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống bến, bãi đỗ xe theo quy hoạch và phù hợp với nội dung tại Điều 43 dự thảo Luật Đường bộ do Bộ Giao thông vận tải xây dựng và xin ý kiến góp ý.
Không đưa đề xuất bãi gửi xe gầm cầu vào Dự thảo Luật
Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, dù dự thảo luật quy định xe chở nhiên liệu, chất gây cháy nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, nguy hiểm không được trông giữ dưới gầm cầu để phòng ngừa cháy nổ.
Nhưng trên thực tế, các đơn vị trông giữ xe dưới gầm cầu không có khả năng và thiết bị kiểm tra để biết phương tiện có chở nhiên liệu dễ cháy nổ hay không. Do vậy, ông đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiêu chí cụ thể hơn với phương tiện được đỗ dưới gầm cầu cạn.
Theo Bộ Giao thông vận tải, căn cứ quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, bãi đỗ xe thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, không thuộc công trình đường bộ. Ngoài ra, bãi đỗ xe không thuộc danh mục công trình được phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Do vậy, về nguyên tắc không được tổ chức các điểm kinh doanh dịch vụ bãi đỗ, dừng xe trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu sử dụng gầm cầu cạn để tận dụng quỹ đất tại các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng là rất lớn, do quỹ đất để xây dựng bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt còn hạn chế, kết hợp với khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt khu vực đô thị.
Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đường bộ, ban soạn thảo cập nhật, đưa nội dung quản lý, sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông vào dự thảo Luật theo Tờ trình số 160/TTr-CP ngày 27/4/2023 của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì sao không luật hóa quy định dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe? Nếu cho phép dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe còn gián tiếp làm phát triển phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố, không đúng với chính sách hạn chế xe cá nhân của Nhà nước. Việc trông giữ xe dưới gầm cầu cạn dễ dẫn đến cháy nổ và gây áp lực giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.
Ngày 5/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP (thay thế cho Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019), trong đó, giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh như: bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng... theo quy hoạch. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát đầu tư và ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe sử dụng công nghệ đỗ xe thông minh, hiện đại.
Ngày 8/4/2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1218/QĐ- UBND về phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, đến năm 2025 ưu tiên đầu tư xây dựng bãi đỗ xe với 122 vị trí với quy mô diện tích khoảng 168ha; giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 đầu tư xây dựng bãi đỗ xe với 115 vị trí với quy mô diện tích khoảng 58ha.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý trật tự giao thông đô thị trên địa bàn, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm triển khai xây dựng bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn, đảm bảo tuân thủ theo đúng yêu cầu về lộ trình đầu tư xây dựng bãi đỗ xe công cộng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, đề xuất chính quyền các địa phương có thể thu hồi hoặc cấp phép các dự án treo nhiều năm nay để làm bãi xe tạm. Điều này vừa giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân, vừa tránh lãng phí. Còn với không gian gầm cầu cạn, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho rằng nên sử dụng trồng cây xanh, vốn đang rất thiếu tại đô thị lớn. Các cầu vượt thường nằm ở các tuyến giao thông huyết mạch, khi xe ra vào điểm trông giữ cần quay đầu, gây cản trở phương tiện khác trên đường.