Chuyên mục


CPI giao thông giảm mạnh

03/01/2023 12:11 (GMT +7)

Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 của Tổng cục Thống kế, CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 12, quý IV và bình quân các năm giai đoạn 2018-2022 (%)

Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 12, quý IV và bình quân các năm giai đoạn 2018-2022 (%)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, trong đó: 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 9 nhóm có chỉ số giá tăng.

Nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất với 2,78% (làm CPI chung giảm 0,27 điểm phần trăm), do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 01/12/2022, 12/12/2022 và ngày 21/12/2022 làm cho giá xăng giảm 7,29%; dầu diezen giảm 10,64%. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tăng 0,22%; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân và dịch vụ giao thông công cộng cùng tăng 0,08%. Và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

Những hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng tiêu biểu gồm: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,66% chủ yếu do giá gas tăng 4,08% do từ ngày 01/12/2022, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 14.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 40 USD/tấn (từ mức 610 USD/tấn lên mức 650 USD/tấn); giá nước sinh hoạt tăng 0,82% do một số địa phương tăng giá nước; giá nhà ở thuê tăng 0,77%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,35% (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm) do giá đá, cát, gach, xi măng tăng nhẹ; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,57% do nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng nhà ở tăng vào dịp cuối năm. Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa giảm 7,4% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 01/12/2022, 12/12/2022 và ngày 21/12/2022; giá điện sinh hoạt giảm 0,95% do thời tiết chuyển sang mát mẻ.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,45%, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch năm 2023 cũng như chuẩn bị nguồn hàng đón Tết Nguyên đán sắp tới.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,41% do trong tháng có nhiều cửa hàng, siêu thị đã kết thúc các chương trình khuyến mãi giảm giá, cùng với đó nhu cầu mua sắm quần áo mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch nên các cửa hàng tăng giá bán.

Nhóm giáo dục tăng 0,32% (làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm), trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,35% do một số cơ sở giáo dục ngoài công lập điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, do nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập và chi phí vận chuyển tăng nên giá sản phẩm từ giấy tăng 0,32% so với tháng trước; giá sách giáo khoa tăng 0,06%; giá bút viết các loại tăng 0,17%; văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,12%.

Quý IV/2022, CPI tăng 0,67% so với quý trước và tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Giáo dục tăng 11,13% so với cùng kỳ năm trước; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,17%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,19%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,95%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,64%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,63%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,31%; giao thông tăng 0,86%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,55%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,12%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân năm 2022, CPI tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI bình quân năm 2022 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Giá xăng dầu trong nước tăng 28,01% so với năm trước (làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm), giá gas tăng 11,49% (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm);

Giá gạo tăng 1,22% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết.

Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,62% so với năm 2021 (làm CPI tăng 0,35 điểm phần trăm);

Giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (làm CPI chung tăng 0,59 điểm phần trăm);

Giá dịch vụ giáo dục tăng 1,44% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023;

Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, theo đó giá vé máy bay năm 2022 tăng 27,58% so với năm trước; giá vé tàu hỏa tăng 10,96%; giá vé ô tô khách tăng 12,15%; giá du lịch trọn gói tăng 8,27%.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2022: Giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước (làm CPI chung giảm 0,36 điểm phần trăm) do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; Giá nhà ở thuê giảm 1,83% so với năm trước (làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm), giá giảm chủ yếu trong các tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Giá bưu chính viễn thông giảm 0,37% so với năm trước do giá điện thoại di động giảm;

Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2022.

Lạm phát cơ bản tháng 12/2022 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,55%) chủ yếu do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 12 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Mỹ Diệu
Rà soát các dự án giao thông chậm tiến độ, dừng thi công
Đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tồn đọng, dừng thi công, chậm tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch biện pháp xử lý.

Dừng thu phí BOT trong trường hợp nào?
Trạm thu phí BOT phải dừng thu phí nếu chất lượng bảo trì đường không tốt và bị cơ quan chức năng có thẩm quyền ra văn bản nhắc nhở hai lần kèm theo thời hạn khắc phục; khi để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông...

Xe buýt 4 cửa như “hàng không” giúp tối ưu hiệu quả nhờ không gian riêng
Thực tế là xe buýt 4 cửa lâu nay vẫn được sử dụng đưa đón khách tại một số cảng hàng không, từ nhà ga ra tàu bay. Nó đã cho thấy khả năng lên xuống linh hoạt, tiếp nhận hoặc giải tỏa khách nhanh chóng, không bị gò bó về hướng đỗ xe.

Khởi công xây dựng nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) vừa kết hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Lễ khởi công Dự án “Xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cát Bi".

Bắc Ninh: Xây dựng hệ thống chợ dân sinh phù hợp với sự phát triển đô thị
Ngày 16/11, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình gặp mặt Doanh nhân chuyên đề tháng 11 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát triển và quản lý chợ với thông điệp “Chia sẻ thông tin – cùng doanh nghiệp phát triển”.

Tổng bí thư Tô Lâm: Hải Phòng phát huy lợi thế 'cửa chính ra biển' cả miền Bắc
Tổng bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương vừa có chuyến thăm, làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng; thăm, khảo sát cuộc sống của cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Hoàn thành 2 tuyến cao tốc tại Cao Bằng - Lạng Sơn trong năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành 2 dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) ngay trong năm 2025, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025.