Chiếc hố nước ‘tử thần’ trên hồ Berryessa
Hồ chứa Berryessa nằm cạnh thị trấn Monticello là nơi xảy ra hiện tượng hố nước ‘tử thần’ xuất hiện giữa mặt hồ. Vậy bí ẩn đằng sau hiện tượng hố nước gây tò mò đối với nhiều người này là gì?
Lịch sử của đập Monticello bắt nguồn từ khoảng đầu thập niên 1950, khi tiểu bang California nhận thấy vùng đất nông nghiệp rộng tới 39.000ha của họ ở hai hạt Solano và Yolo luôn luôn bị thiếu nước vào mùa hè. Để có thể trữ nước phục vụ tưới tiêu, bộ phận thủy lợi của tiểu bang đã đề xuất với Bộ Nội vụ Mỹ một dự án xây đập, chắn ngang con lạch Putah ở vị trí thung lũng Berryessa và thị trấn Monticello.
Dưới đây là video hình ảnh hố nước Berryessa nằm tại khu vực thị trấn Monticello của California, Mỹ:
Với 4 năm xây dựng và 37 triệu USD từ khi dự án được phê duyệt vào năm 1953, đập Monticello chính thức được xây dựng sở hữu phần vòm bê tông, rộng 30m, cao 93m và dài 312m, chắn ngang qua thung lũng. Sau đó khoảng 5 năm, hồ chứa Berryessa mới được lấp đầy. Năm 1962, Berryessa trở thành hồ chứa lớn thứ hai tiểu bang California, với diện tích bề mặt 8.400ha, độ cao cột nước lên tới 130m và dung tích chứa khoảng 2 tỷ mét khối nước.
Các kiến trúc sư tại Monticello phải thiết kế thêm một cửa xả tràn giống như bất cứ con đập và hồ chứa nào trên thế giới, để đảm bảo an toàn cho nó khi mực nước vượt quá công suất lưu trữ. Bình thường cửa xả tràn sẽ được thiết kế dạng kênh máng, nằm ngay bên rìa của cạnh đập. Tuy nhiên, thung lũng Berryessa lại quá nhỏ và hẹp, nên các kiến trúc sư đã sử dụng một loại cửa tràn hiếm được xây dựng hơn, đó là cửa tràn dạng miệng chuông (Bell-mouth spillway). Ngày nay, hố tràn này đã được dân địa phương gọi tên là Glory Hole Spillway.
Cửa tràn miệng chuông thực chất là một trụ rỗng, được xây từ đáy hồ chứa lên không trung, giống một một chiếc chuông lộn ngược và có cửa hở ở đáy. Đây là một thiết kế cửa tràn không kiểm soát, nghĩa là nó không có cửa đóng mở theo ý muốn. Thay vào đó, độ cao của miệng chuông được tính toán sẵn để cứ khi nào nước tích trữ trong hồ chứa vượt công suất cho phép, chúng sẽ tự nhiên tràn qua miệng chuông và thoát ra phía dưới đập.
Với hồ chứa Berryessa, cửa tràn dạng chuông được xây cao 130m. Đường kính miệng chuông rộng 22m và dần thu hẹp xuống 8,5m ở lối ra dưới đáy. Nó cho phép một lưu lượng tối đa 1.370m3 nước chảy qua mỗi giây. Ngoài Monticello, số lượng các con đập trên thế giới có thiết kế miệng tràn dạng chuông cũng khá là hiếm.
Một hiện tượng lạ xảy ra vào năm 2019, khi một cư dân quay được video một con vịt bơi vào cái hố này. Thần kỳ thay sau khi đó, con vịt vẫn sống sót. Nhưng trước đó vào năm 1997, một người phụ nữ khi đang bơi trên hồ Beryessa đã bị cái hố nuốt chửng và không qua khỏi.
Sau tai nạn đáng tiếc này, khu vực cửa tràn ở hồ Berryessa đã được rào chắn lại. Hoạt động bơi lội ở đó cũng bị cấm nghiêm ngặt. Thay vào đó, khách đến tham quan chỉ có thể quan sát nó từ phía trên bờ.
Tuy nhiên hàng năm vào mùa mưa, hoạt động an ninh ở khu vực này vẫn được thắt chặt, bởi thường có hàng nghìn du khách đổ về đó cầu nguyện cho trời tiếp tục mưa, để được chứng kiến tận mắt khung cảnh hùng vĩ khi chiếc cửa tràn đi vào hoạt động.